Nhu cầu lớn về mặt bằng sản xuất
Hậu Giang hiện có 4/6 CCN đã được thành lập, diện tích 177,56 ha, thu hút 41 dự án, trong đó có 24 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.692,71 tỷ đồng.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Hậu Giang, các CCN đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hiệu quả từ các CCN cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định.
Số liệu về kết quả đóng góp của doanh nghiệp trong các CCN cũng cho thấy, bình quân vốn đầu tư đăng ký đạt 90,07 tỷ đồng/dự án, suất đầu tư 31,98 tỷ đồng/ha, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6,85 tỷ đồng/ha/năm, thu nhập bình quân người lao động 5,5 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm cho 5.210 lao động.
Sở Công Thương Hậu Giang cũng dự báo, nhu cầu mặt bằng trong các CCN vẫn đang tăng cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có hơn 1.500 đơn vị nằm ngoài khu, CCN. Theo định hướng của tỉnh, trong những năm tới sẽ chuyển dần các doanh nghiệp, cơ sở này vào các khu, CCN để thuận tiện công tác quản lý và tránh ô nhiễm môi trường. Do vậy, nhu cầu diện tích đất cần phải quy hoạch, thành lập mới CCN khoảng 450 ha.
Nâng cao hiệu quả
Với quan điểm phát triển các CCN bám sát trục giao thông chính, lựa chọn những vùng đất canh tác kém hiệu quả…, dự thảo Phương án phát triển CCN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Hậu Giang tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy các CCN.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025 thành lập mới 5 CCN, mở rộng 2 CCN, phấn đấu thu hút đầu tư để lấp đầy trên 90% diện tích đất thu hồi, tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 70% diện tích quy hoạch; giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng, phấn đấu lấp đầy các CCN đã được thành lập giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90% trở lên. Định hướng phát triển đến năm 2050, hình thành hệ thống các CCN có quy mô hợp lý nhằm phát huy tiềm năng theo từng địa bàn để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh.
Lĩnh vực, ưu tiên thu hút ngành nghề vào CCN chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như: Cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp; thiết bị điện, điện tử; dệt may và sản xuất nguyên phụ liệu, giày dép; chế biến nông sản thực phẩm và hàng tiêu dùng; thiết bị dụng cụ y tế; xử lý chất thải; công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp.
Để dự thảo Phương án phát triển CCN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh được thực hiện với hiệu quả cao, Sở Công Thương Hậu Giang cũng xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư, vốn và đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, khoa học, kỹ thuật, thị trường, phát triển nguồn nhân lực.
Dự kiến nguồn vốn đầu tư vào CCN giai đoạn 2021-2030 của Hậu Giang là 6.493 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch ước tính 2.327 tỷ đồng, kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4.165 tỷ đồng. |
Theo Báo Công Thương