Xuất thân từ vùng nông thôn ở Bình Định, nơi cũng có nghề bánh tráng thủ công, anh Trần Xuân Phương đỗ thủ khoa Đại học Tổng hợp TP HCM năm 1993 và được cấp học bổng sang Australia học đại học ngành công nghệ thực phẩm, năm 1994. Trong thời gian này, anh đi làm thêm công việc phụ bếp cho nhà hàng. Khi mua nguyên liệu, anh nhận thấy bánh tráng Việt tại Australia ngon nhưng chất lượng không ổn định, màu sắc, hình thức chưa bắt mắt, thiết kế nghèo nàn, giá thấp. Từ đó, anh Phương ấp ủ ý định sản xuất những sản phẩm này chuyên nghiệp hơn, giá cả cạnh tranh với Thái Lan hay Hàn Quốc trên thị trường quốc tế.
Để thực hiện ước mơ đó, anh Phương đã mất hơn 10 năm đeo đuổi. Đang đảm nhiệm vị trí giám đốc nhà máy của Nestlé Thái Lan, năm 2004, anh bỏ việc, tìm kiếm những nơi sản xuất bánh tráng và hợp tác cùng nông dân nâng cao chất lượng sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chuyện khởi nghiệp lúc này không hề dễ dàng, bởi người nông dân chưa quen thuộc với sản xuất quy mô lớn, trong khi đó anh Phương vẫn phải đi làm thuê cho nơi khác để tích cóp cho con đường riêng của mình.
Anh Trần Xuân Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ly An chia sẻ hành trình khởi nghiệp và đưa thương hiệu bún, bánh tráng Việt Nam xuất khẩu.
- Vì sao ông đánh đổi một công việc rất tốt để khởi nghiệp sản xuất bánh tráng và bún vào năm 2004?
- Ấn tượng về sản phẩm bánh tráng Việt Nam khi ra nước ngoài du học luôn ám ảnh tôi. Khi đi làm thuê cho công ty nước ngoài, tích lũy đủ kinh nghiệm, tôi tin tưởng rằng mình có thể làm ra sản phẩm này tốt hơn nữa. Nếu như dạng bánh phở khô, thực ra là một dạng hủ tiếu của Thái Lan đang được ưa chuộng, mình khó cạnh tranh, thì với sản phẩm bánh tráng và bún, Việt Nam đang làm tốt hơn họ, do sản phẩm này có nhiều yếu tố đặc thù về quy trình, cách làm, nguyên liệu... phù hợp với môi trường Việt Nam. Có thể tự tin là sản phẩm bánh tráng và bún Mekong River đang ở vị trí tiên phong với hương vị chất lượng, được người tiêu dùng các nước ưa chuộng bởi chất lượng và màu sắc độc đáo của sản phẩm.
Anh Trần Xuân Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ly An.
Năm 2004, tôi đã gặp rất nhiều thách thức khi phải gây dựng từ mô hình sản xuất bánh tráng quy mô kiểu làng nghề, chưa chuyên nghiệp, máy móc đơn sơ, sang một mô hình chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi đã phải mày mò và cải tiến rất nhiều từ công thức bột cho đến khi có được sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào năm 2007 với lô hàng đầu tiên sang Hàn Quốc.
Các dòng sản phẩm bún, bánh tráng đa dạng màu sắc của Mekong River.
- Cụ thể hương vị và màu sắc của sản phẩm độc đáo ra sao?
- Chúng tôi chiết xuất màu tự nhiên trực tiếp từ rau củ cho sản phẩm. Bánh tráng màu tự nhiên lần đầu tiên xuất ra thế giới từ năm 2007. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động và sản xuất quy mô lớn năm 2013, chất lượng về hương vị và màu sắc có một bước tiến vượt bậc.
Xuất phát từ yêu cầu của chính tôi về sản phẩm là không chỉ ăn ngon mà phải tốt cho sức khỏe nên một số màu tự nhiên đã được đưa vào bánh tráng và bún, không chỉ giúp tạo màu sắc đẹp mà còn bổ sung thành phần tự nhiên. Tôi đã chọn củ nghệ, củ dền, gạo lứt đỏ, màu berry, màu than hoạt tính đưa vào sản phẩm để bán ra thế giới, tuy nhiên, chỉ có bốn màu bán tại Việt Nam là màu nghệ và màu gạo lứt đỏ, màu củ dền tím và màu trắng tự nhiên của gạo.
Chúng tôi cam kết không dùng màu nhân tạo, chỉ sử dụng màu tự nhiên chiết xuất từ rau củ quả xay ra lấy nước và cho vào bột gạo, giữ màu bền, để được 2-3 năm mà không bị mất màu dù qua các khâu chế biến, sấy khô. Công ty cũng sản xuất thành công sản phẩm bánh tráng và bún màu dưa hấu, màu thanh long và đang được khách hàng đón nhận tích cực.
Bánh tráng Mekong River có thể chế biến món bánh ướt và bánh cuốn truyền thống.
Xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính
- Những yếu tố nào giúp sản phẩm Mekong River đạt chất lượng xuất khẩu, hương vị được người tiêu dùng ưa chuộng?
- Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và được khách hàng quốc tế khắp nơi ưa chuộng thì sản phẩm bánh tráng và bún Mekong River phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới. Đầu tiên là chất lượng ổn định, đây là điều khó nhất đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Sản phẩm không biến đổi gen, không chứa gluten, hoàn toàn tự nhiên.
Chất lượng gạo mà nhà máy lựa chọn để sản xuất bún và bánh tráng là một trong những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm. Gạo sạch được trồng 4-6 tháng o miền Tây, phối trộn nhiều loại gạo với nhau, loại cũ, loại mới để tạo ra cơ tính ổn định, giúp sợi bún và bánh tráng có chất lượng ổn định.
Bí quyết kế tiếp nằm ở chất lượng nước. Nước máy dùng cho sản xuất phải tiếp tục xử lý để đạt chuẩn. Sản phẩm bánh tráng và bún Mekong River phải sử dụng chất lượng nước cao hơn nước máy bình thường, đáp ứng theo yêu cầu 15 chỉ tiêu cơ bản và một số chỉ số đạt cao hơn một số yêu cầu của khách hàng quốc tế.
Không chỉ lo "nước đầu vào", mà ngay cả "nước đầu ra", nhà máy cũng chú trọng xử lý nước thải ra môi trường đã đạt độ trong chuẩn, không ảnh hưởng đến xung quanh, hạn chế tác động đến môi trường.
Những chứng chỉ mà công ty đã đạt được như ISO, HACCP, HALAL, Kosher... làm nền tảng để sản phẩm bánh tráng và bún Mekong River đi xa hơn trên thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận.
- Vì sao anh đặt tên sản phẩm là Mekong River?
- Tôi đặt tên này để tri ân dòng sông đầy phù sa của phương Nam đã tạo ra hạt gạo thơm ngon cho miền Tây. Dòng sông mang tới nguồn năng lượng nuôi sống cây trồng, tôm cá và cả con người.
Mekong River tham gia hội chợ triển lãm tại SECC.
Mang sản phẩm chất lượng cho người Việt
- Thế giới đã đón nhận sản phẩm bánh tráng và bún Mekong River như thế nào trong nhiều năm qua?
- Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều người tiêu dùng dùng bánh tráng thay thế cho rong biển, với cách này rong biển sẽ cuốn ở trong và đó có thể là rong biển vụn chứ không phải nguyên miếng, giúp giảm giá thành lại có thêm màu sắc. Bánh tráng cũng có thể làm vỏ bên ngoài sashimi để giữ ẩm, thêm màu sắc, cuốn sashimi trưng bày lâu hơn. Người Hàn Quốc còn dùng bánh và rong biển tạo thành món snack. Thậm chí nữ giới Hàn Quốc còn có mẹo dùng bánh tráng nhúng vào thảo dược chế sản phẩm dưỡng da. Trong khi đó người tiêu dùng tại châu Âu chuộng mua bánh tráng Mekong River làm gỏi cuốn hoặc chả giò. Người Thái dùng bánh tráng để làm món gói, chiên kiểu Thái... Bánh tráng và bún làm từ gạo nên kết hợp được với các loại thịt, cá, rau, củ... một cách dễ dàng.
Sản phẩm đã xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Singapore, Australia, châu Âu, Malaysia, Israel một vài nước ở châu Phi. Do ảnh hưởng của Covid-19, thời gian qua chúng tôi đã tạm gác lại kế hoạch xuất khẩu đi Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong bối cảnh phòng chống dịch, chúng tôi cũng chú trọng giữ giá thành và doanh thu. Trong 5 tháng vừa qua sản lượng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để người tiêu dùng Việt Nam cũng có thể sử dụng sản phẩm mang chất lượng quốc tế này, chúng tôi đã quyết định ra mắt sản phẩm tại thị trường Việt Nam với giá thành phải chăng để người Việt có sản phẩm ngon, sạch và tự nhiên, tốt cho sức khỏe.
Sắp tới nhà máy sẽ có sản phẩm chả giò thành phẩm với đầy đủ hương vị, nước uống rau má, nước mía tự nhiên đông lạnh xuất đi châu Âu, Mỹ cùng nhiều mặt hàng nông sản khác.
Nguồn: Vnexpress.net