Thực hiện Chương trình khuyến công thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã xây dựng, thực hiện 12 đề án về phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu.
Hội nghị bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu
Tổng kinh phí thực hiện chương trình 6.349 triệu đồng; trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ 3.810,7 triệu đồng; các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp 2.538,3 triệu đồng. Chương trình bao gồm các đề án có nội dung nhiệm vụ: Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu thành phố Hải Phòng năm 2017, 2019; tổ chức cho các cơ sở CNNT tham gia Hội chợ triển lãm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2017, 2018; tổ chức gian hàng triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu thành phố tại các hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2016, 2018, 2020; hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia gian hàng tại Hội chợ triển lãm Công Thương vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2017; tổ chức Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2019 với quy mô 300 gian hàng (trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ 200 gian hàng của cơ sở CNNT).
Phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu là nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công. Qua 4 kỳ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp thành phố, đã có 36 sản phẩm của 26 cơ sở CNNT được UBND thành phố công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp thành phố; một số sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp cao hơn và đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Sản phẩm CNNT tiêu biểu sau khi được công nhận, giới thiệu quảng bá trên Trang thông tin điện tử Khuyến công Hải Phòng, Bản tin Công Thương và các ấn phẩm tờ gấp khuyến công; được hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua tổ chức triển lãm, giới thiệu tại các hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc để giới thiệu tới người tiêu dùng, các nhà phân phối trên cả nước và địa phương; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm trong nước để bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, cơ sở CNNT có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mô hình cơ sở CNNT hoạt động hiệu quả, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào các khâu sản xuất; hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, maketing và hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu.
Chương trình hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến
Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí khuyến công hỗ trợ để phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu là 2.490 triệu đồng, gồm có: 1.300 triệu đồng hỗ trợ 6 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại hóa quy trình sản xuất; 970 triệu đồng xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hoạt động hiệu quả; 60 triệu đồng hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề thêu ren, móc chỉ; 160 triệu đồng hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, maketing cho 06 cơ sở CNNT. Đây là nguồn động lực lớn thu hút, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT nói chung và các đơn vị có sản phẩm được bình chọn nói riêng tích cực hơn nữa trong việc thiết kế, chế tạo những mẫu mã mới; duy trì phát triển sản xuất sản phẩm chất lượng cao, tận dụng được tiềm năng lợi thế của địa phương, doanh nghiệp để tiếp tục đầu tư sản xuất, đóng góp nhiều hơn nữa cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, qua các kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu thành phố Hải Phòng cho thấy, kết quả bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu chưa phản ánh đầy đủ thực trạng sản xuất công nghiệp nông thôn của thành phố; số sản phẩm, đơn vị và địa phương tham gia còn hạn chế (năm 2019 chỉ có 5 cơ sở CNNT với 11 sản phẩm tham gia, kết quả bình chọn được 4 sản phẩm). Chương trình phát triển sản phẩm CNNTTB chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mực, mới chỉ tổ chức bình chọn ở cấp thành phố, cấp huyện chưa tổ chức; mức hỗ trợ của nội dung hoạt động khuyến công, thủ tục hồ sơ tham gia chương trình khuyến công phức tạp, kế hoạch từ khi đăng ký đến khi tổ chức thực hiện kéo dài.
Để công tác bình chọn và hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNTTB giai đoạn 2021-2025 đạt kết quả cao hơn, tạo sức lan tỏa mạnh hơn cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng rộng rãi của cơ sở CNNT và giao đơn vị có năng lực phù hợp làm đầu mối thực hiện;
Đặc biệt, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bình chọn, cần được triển khai khoa học, xuyên suốt, từ việc đẩy mạnh công tác thông tin, hướng dẫn tới các địa phương đến hoạt động khảo sát, tuyên truyền vận động cơ sở CNNT nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của hoạt động bình chọn, từ đó đăng ký nhiều sản phẩm tham gia, khẳng định vị trí, giá trị của sản phẩm CNNT thành phố. Đồng thời, với việc tổ chức bình chọn, định hướng hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu sau bình chọn, cần được quan tâm hơn nữa để tạo sức hấp dẫn đối với các địa phương và cơ sở CNNT có sản phẩm đăng ký tham gia.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia, nhằm chọn ra những sản phẩm CNNT tiêu biểu nhất, đại diện cho các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thế mạnh của thành phố để tôn vinh, hỗ trợ phát triển, tạo bản sắc riêng cho công nghiệp nông thôn thành phố. Qua đó, lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu đặc sắc tham gia bình chọn SPCNNTTB cấp vùng, cấp quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức.
Qua thực tế, các đề án đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh, đóng góp tích cực vào phong trào thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III, năm 2020.
Theo Báo Công Thương