Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có trên 65 làng nghề truyền thống với các nghề: Mộc, cơ khí, thêu ren, gốm sứ, mây tre đan, dệt chiếu cói, trạm khắc đá, giầy da, kim hoàn chế tác vàng bạc, nấu rượu, sản xuất bún, bánh đa, sản xuất hương… Từ xa xưa cùng với sự phát triển của đất nước, do đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống xã hội mà các làng nghề đã hình thành, tồn tại, phát triển với các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như: Vàng bạc Châu Khê, mộc mỹ nghệ Đông Giao, mộc đình chùa Cúc Bồ, rượu Phú Lộc, trạm khắc đá Dương Nham, thêu ren Xuân Nẻo, gốm sứ Chu Đậu, rau quả sấy Mạn Đê, giầy da Hoàng Diệu, lược bí làng Vạc, làng hương Trực Trì- Tống Xá, gốm sứ Cậy, bánh đa Lộ Cương, chiếu cói Tiên Kiều, mây tre đan làng Chằm, mộc rèn Quảng Nghiệp, bún Tam Lương… Riêng với dòng gốm sứ Chu Đậu suốt từ thế kỷ XIII-XVII đã có trên 15 cơ sở sản xuất trải dài suốt bên các dòng sông: Kinh Thày, Thái Bình, Cậy, Định Đào… Sản phẩm gốm sứ Chu Đậu được đánh giá là dòng gốm đẹp, cao cấp trên thế giới từ xa xưa đã được xuất khẩu sang 32 nước và khu vực. Hiện có 46 bảo tàng danh tiếng của 5 châu lục còn lưu giữ sản phẩm xuất xắc của gốm sứ Chu Đậu cho đến ngày nay. Các làng nghề truyền thống Hải Dương cùng với các làng nghề khác trong cả nước đã làm ra nhiều sản phẩm đẹp, có tính thẩm mỹ cao góp phần quảng bá vinh danh văn hóa nước ta.
Cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, các làng nghề truyền thống Hải Dương đã hình thành, thịnh vượng và lụi tàn theo quy luật của thị trường, từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến nay, nhất là từ khi Đảng và Nhà nước ta có chủ trương mở cửa nền kinh tế, hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế. Các làng nghề truyền thống tại Hải Dương có điều kiện được phục hồi, phát triển tạo việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Vừa qua do dịch bệnh Covid- 19 nên ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại, phát triển của kinh tế làng nghề, Hải Dương cũng không phải ngoại lệ, do sức mua tiêu thụ sản phẩm làng nghề giảm mạnh nên sản xuất hàng hóa làng nghề bị ngưng trệ, một số cơ sở sản xuất bị phá sản, đó là những báo động rất đáng lo ngại hiện nay.
Trong suốt lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển đa số các làng nghề đều hình thành tự phát, từ khi Đảng và Nhà nước ta có các những chính sách tốt khuyến khích các làng nghề phát triển, UBND các xã, các huyện, Sở công thương, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương… đã nghiên cứu, điều tra đưa vào qui hoạch các vùng nghề, làng nghề như: Làng nghề mộc mỹ nghệ Đông Giao, làng nghề Gốm sứ Chu Đậu, làng nghề kim hoàn vàng bạc Châu Khê… Và một số huyện, thị cũng đưa vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp làng nghề. Qua quá trình phục hưng lại làng nghề gốm sứ Chu Đậu chúng tôi thấy rằng, chỉ khi nào chính quyền xã, huyện, tỉnh vào cuộc quyết liệt thì mới có cơ hội thành công.
Tuy nhiên, quá trình quy hoạch phát triển cụm công nghiệp làng nghề của Hải Dương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chính quyền các cấp hầu như thả nổi để các các cá nhân, doanh nghiệp tự bơi, muốn có quy hoạch các chủ doanh nghiệp, cá nhân phải tự thân vận động. Khi đã có quy hoạch thì họ phải tự đi mua ruộng đất của dân, tự thỏa thuận với dân, việc này vô cùng khó khăn. Kể cả khi đã có quỹ đất rồi nhưng việc làm dự án hộ gia đình cá thể, doanh nghiệp…phải qua các thủ tục của sở ban ngành phê duyệt và chờ thời gian quá lâu, có khi mất vài năm cũng chưa xong. Trong khi khả năng tài chính của những hộ sản xuất làng nghề eo hẹp, việc tiếp cận vay vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng khó khăn. Mặt khác, nguồn nhân lực lao động làng nghề tuyển dụng khan hiếm, đa số những lao động trẻ hiện nay thích muốn làm việc nhẹ lương cao, muốn làm tại các công ty, nhà máy ở các khu công nghiệp có thu nhập ổn định hơn. Việc tuyển dụng lao động đã khó, việc đào tạo nghề cho họ còn khó hơn. Khi tuyển được lao động nhưng không có tay nghề, cơ sở sản xuất phải đào tạo nghề, nhưng có người khi học nghề thành thạo rồi nhưng các cơ sở khác lại mời chào, lôi kéo lao động đi, khiến đơn vị mất dần mất lao động…. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm làng nghề sản xuất ra kênh tiêu thụ không ổn định, giá cả vật tư nguyên liệu biến động leo thang, khiến cơ sở làng nghề gặp nhiều khó khăn về tài chính, khó đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cho người lao động cũng như duy trì nguồn thu nhập ổn định cho họ.
Các làng nghề truyền thống Hải Dương luôn mong muốn có được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng để có được mặt bằng sản xuất, ổn định đầu ra sản phẩm; Tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam như nghị quyết của Đảng ta đã kỳ vọng.
Theo Làng nghề Việt