Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu rác thải, chi phí điện năng cho các cơ sở sản xuất, trong đó có cơ sở sản xuất làng nghề đồng thời bảo đảm môi trường làng nghề là nội dung ưu tiên của khuyến công Hải Dương trong năm 2019.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 66 làng nghề, thuộc các lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, vật liệu xây dựng, gốm… Khu vực làng nghề đang có nhiều đóng góp vào sức phát triển của ngành công nghiệp nông thôn Hải Dương, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Tuy nhiên, do hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất hạn chế. Công nghệ sản xuất lạc hậu, lao động thủ công vẫn chiếm hầu hết các công đoạn, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm của làng nghề không cao, độ đồng đều thấp. Hơn nữa, các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải xả thải trực tiếp ra môi trường, khiến môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh không những bị ô nhiễm không khí, nước mà còn ô nhiễm tiếng ồn.

Việc bảo đảm môi trường làng nghề do nhiều đơn vị chức năng của tỉnh thực hiện, những năm qua thông qua chương trình khuyến công, Sở Công Thương Hải Dương đã thực hiện nhiều hoạt động góp sức cải thiện môi trường làng nghề. Trong đó, các đề án chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị mới được tích cực triển khai.

Chỉ riêng năm 2018, khuyến công Hải Dương đã triển khai 12 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và 1 đề án hỗ trợ trình diễn khoa học kỹ thuật quy trình chế biến hàng nông sản xuất khẩu. Các đề án hoàn thành đã giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, giảm lãng phí nguyên liệu, hạn chế lượng chất thải ra môi trường.

Theo đại diện Sở Công Thương Hải Dương, sang năm 2019 hoạt động khuyến công tiếp tục thực hiện các nội dung hỗ trợ trực tiếp cũng như gián tiếp cho cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, từ đó gia tăng khả năng sản xuất, góp sức bảo đảm môi trường làng nghề. Ngay từ đầu năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã tổ chức khảo sát thực tế tại cơ sở, tìm đối tượng đủ điều kiện để hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới trong các lĩnh vực: Chế biến nông - lâm - thuỷ sản thực phẩm; sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng; vật liệu xây dựng; lắp ráp và sửa chữa máy móc thiết bị, dụng cụ cơ khí…; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, hệ thống xử lý môi trường; ứng dụng sản xuất sạch hơn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào cụm.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Sở Công Thương Hải Dương, để môi trường làng nghề thực sự xanh, sạch cần sự chủ động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề trong thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp kiểm soát tiếng ồn, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải; thực hiện thu gom, phân loại, tập kết đúng nơi quy định chất thải rắn. Tiếp nhận và vận hành đúng quy định các hạng mục công trình xử lý chất thải nếu được lựa chọn, đầu tư; chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TQL (TTCN)