Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021- 2025 đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, với nguồn kinh phí hỗ trợ gấp hơn 2 lần so với giai đoạn trước, dự kiến khoảng 62,765 tỷ đồng. 

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 62.765 triệu đồng, trong đó nguồn từ ngân sách tỉnh là 27.110 triệu đồng và nguồn đối ứng, huy động từ các thành phần kinh tế tham gia 35.655 triệu đồng. 

Nguồn kinh phí này hỗ trợ triển khai 7 nội dung gồm: Đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, thành lập và khởi sự doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT); Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; Hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT như: hỗ trợ cơ sở CNNT lập dự án đầu tư, thành lập doanh nghiệp và cung cấp thông tin về chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; Hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp (CCN) và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường; Nâng cao năng lực quản lý và năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.
  
Mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ đào tạo mới, đào tạo nâng cao tay nghề cho 1.000 lao động; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho trên 2.000 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về quản trị kinh doanh, tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ thành lập mới khoảng 20 - 30 doanh nghiệp CNNT; Hỗ trợ xây dựng 10 mô hình trình diễn kỹ thuật; 30 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho khoảng 15 sản phẩm CNNT; Tổ chức 03 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng CCN; Phấn đấu đến 2025 các CCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

 Đồng thời kỳ vọng lớn hơn khi đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển CNNT của tỉnh, đảm bảo giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 11,9%/năm, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, đẩy cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông - lâm - thủy sản…

Kinh phí dành cho chương trình khuyến công địa phương của tỉnh giai đoạn tới được xây dựng trên cơ sở đánh giá hiệu quả đạt được của hoạt động khuyến công giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong 5 năm qua, địa phương đã triển khai 109 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ trên 23,292 tỷ đồng, trong đó kinh phí địa phương trên 12,252 tỷ đồng. Các đề án được triển khai đã giúp cơ sở sản xuất, doanh nghiệp CNNT thụ hưởng gia tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, làm thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về vai trò của công nghệ, môi trường, nhân lực trong kế hoạch phát triển dài hơi.

Nguồn kinh phí dành cho công tác khuyến công địa phương giai đoạn tới tăng hơn 2 lần, khẳng định hiệu quả, vai trò của công tác khuyến công đã đạt được trong giai đoạn qua; Đồng thời, đặt kỳ vọng lớn cho giai đoạn mới.

Mục tiêu Chương trình khuyến công của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 là khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất  công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu, định hướng chương trình khuyến công của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của tỉnh; Tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều biện pháp về hoạt động khuyến công, tăng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Hỗ trợ một số cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ các mô hình phát triển CNNT theo chuỗi từ sản xuất giống, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu chế biến, chế biến sâu các sản phẩm và tiêu thụ hướng tới xuất khẩu; Hoàn thiện quy trình quản lý và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công các cấp. 

 

 Nguồn sưu tầm: langngheviet.com.vn