Nhờ những nỗ lực xây dựng đội ngũ cộng tác viên, công tác khuyến công của Bình Dương đã thu về những thành quả đáng ghi nhận khi chất lượng các đề án ngày một được cải thiện, thu hút đáng kể sự quan tâm của cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT)

Đã có thời điểm, Bình Dương thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Tại các huyện, thị xã, nhân lực làm công tác khuyến công phần lớn là kiêm nhiệm dẫn tới hoạt động này không được chú trọng đúng mức, không bám sát cơ sở; công tác khảo sát nhu cầu cũng như tư vấn xây dựng đề án cho các cơ sở CNNT có tính khả thi không cao. Thậm chí, có những chương trình, đề án đã triển khai nhưng không được theo dõi thường xuyên, không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh khiến hiệu quả đạt được không cao.

Sớm nhận diện được bất cập đó, những năm qua, Sở Công Thương Bình Dương đã đầu tư nhiều nguồn lực cho xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến công với chất lượng tốt. Năm 2015, Sở Công Thương đã tham mưu UBND, trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết Quy định mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó có mức chi hỗ trợ cho cộng tác viên khuyến công là 0.3 mức lương cơ sở/người/tháng. Năm 2016, tiến hành kiện toàn và phát triển mạng lưới cộng tác viên khuyến công với 17 người, trong đó ưu tiên phát triển cộng tác viên ở những địa phương mới thành lập có tiềm năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...

Đến hết năm 2018, Bình Dương đã có đội ngũ cộng tác viên khuyến công với 20 người. Lực lượng này có nhiệm vụ thống kê danh sách các cơ sở CNNT trên địa bàn phụ trách, lập kế hoạch và đề xuất các hoạt động khuyến công cụ thể phù hợp với nhu cầu và năng lực của các cơ sở theo định hướng chương trình, kế hoạch khuyến công của tỉnh; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở gặp phải, những bất hợp lý trong cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính báo cáo trung tâm xem xét tổng hợp trình cấp có thẩm quyền giải quyết; làm đầu mối triển khai các hoạt động khuyến công và tham gia hướng dẫn thực hiện các đề án triển khai trên địa bàn; tư vấn, hỗ trợ các cơ sở liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội, hội ngành, nghề...

Với đội ngũ làm công tác khuyến công ngày một lớn về lượng và chất, chất lượng hoạt động khuyến công của Bình Dương theo đó đã có sự cải thiện đáng kể. Số lượng các đề án cũng như kinh phí hỗ trợ tăng dần qua các năm. Cụ thể, nếu giai đoạn từ năm 2009 - 2016 kinh phí được cấp thực hiện các chương trình khuyến công là 2-2,5 tỷ đồng/năm, thì từ năm 2017 đến nay mỗi năm ngân sách tỉnh cấp 6-7 tỷ đồng. Đặc biệt, với nội dung triển khai ngày một đa dạng, phong phú đã bám sát thực tế, giải quyết khó khăn và từng bước hỗ trợ các cơ sở CNNT đổi mới công nghệ, cải tiến máy móc, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, cải thiện rõ nét tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng của ngành CNNT tỉnh.

Theo lộ trình đến năm 2020, Bình Dương sẽ xây dựng đội ngũ cộng tác viên khuyến công với số lượng 35 người. Đây sẽ là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở CNNT trong xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, đề án khuyến công.
 


TBT.KConline