CCN Tứ Hạ (giai đoạn 1) được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004 với quy mô 25,1ha. Đến 2010, CCN cơ bản lấp đầy. UBND tỉnh thống nhất chủ trương mở rộng giai đoạn 2, nâng tổng diện tích lên 57,3ha.
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, UBND thị xã đã triển khai đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ (hơn 1,5km); hệ thống thoát nước mưa (2.081m)… với giá trị thực hiện trên 19,2 tỷ đồng.
Hiện, hơn 80% diện tích tại cụm đã phủ kín với 17 doanh nghiệp (DN) đứng chân hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), với số vốn đầu tư trên 160 tỷ đồng, chủ yếu là DN quy mô vừa và nhỏ.
Trong đó, ngoài 2 DN đã dừng hoạt động, 10/17 DN đang hoạt động SXKD các lĩnh vực: đúc công nghiệp, cột điện bê tông, gạch tuynen, gạch bê tông siêu nhẹ, may công nghiệp xuất khẩu, bao bì nhựa, phân bón vi sinh, đồ gỗ…; 2 DN đang triển khai xây dựng nhà máy (sản xuất nến và ống nhựa luồn cáp điện); 3/17 DN đã được UBND cấp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư (sản xuất tà vẹt bê tông dự ứng lực, vật liệu xây dựng và gỗ tinh chế).
Giám đốc Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Trà - Hà Hoàng Chuân cho biết: CCN Tứ Hạ hiện có 9 con đường (5 chính, 4 phụ). Trong đó, 4/9 đường được Nhà nước đầu tư, số còn lại do DN bỏ vốn xây dựng. Hiện, đường quy hoạch số 4, 8 và đường số 6 đã đề xuất, đưa vào danh mục ưu tiên xây dựng nhiều năm vẫn chưa được triển khai. CCN cũng không có hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) và toàn bộ hệ thống xử lý nước thải. DN tự xử lý nước thải bằng cách xây bể lắng, lọc tại chỗ.
Theo ông Chuân, do thiếu nguồn lực, việc đầu tư hạ tầng CCN Tứ Hạ thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, không đồng bộ. “Muốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi nguồn lực thị xã yếu”, ông Chuân nói.
Theo đó, tổng mức đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng 3 con đường trên (có tổng chiều dài hơn 1,7km) cần kinh phí dự kiến 28 tỷ đồng. Hệ thống xử lý nước thải và PCCC cần 25 tỷ đồng.
Tìm giải pháp
Tại CCN Tứ Hạ, Công ty CP Phước Hiệp Thành hiện có 280 công nhân, chuyên sản xuất đan lát hàng bàn ghế xuất khẩu, nguyên liệu chủ yếu bằng sợi nhựa. Kế toán trưởng Công ty CP Phước Hiệp Thành - Trần Viết Triều cho biết: Mặc dù công ty đầu tư hệ thống PCCC tự động, có đầu báo khói, báo nhiệt, có bể chứa nước PCCC dung tích 400m3 nước, nhưng với đặc thù sản xuất hàng có nhiều nguyên liệu dễ cháy nên chúng tôi vẫn rất lo. “Nếu xảy cháy, công ty có thể xử lý tạm thời nhưng nếu cháy lớn sẽ không thể chữa được. Vì vậy, DN mong muốn địa phương sớm đầu tư hệ thống PCCC cho CCN Tứ Hạ”, ông Triều đề xuất.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà- Hà Văn Tuấn, Hương Trà là một trong những địa phương được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là nghiên cứu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên do tính chất CNN gần trung tâm thị xã, chưa có hệ thống xử lý nước thải chung nên khi lựa chọn các nhà đầu tư, thị xã cân nhắc rất kỹ. Chỉ đồng ý với với các DN sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường và không thải ra các chất độc hại. “Phần lớn các nhà máy thu hút vào CCN là các nhà máy sử dụng ít nước, thoát nước sinh hoạt bằng phương pháp tự thẩm thấu: như nhà máy may, sản xuất nến, phân lân vi sinh”, ông Tuấn thông tin.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thị xã đã đề xuất đưa đường số 4, 8 vào xây dựng. Ưu tiên đường số 8 (nằm bên hông Nhà máy may Vinatex Hương Trà). Vì hiện khu vực này tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho Công ty Maypu chuyên sản xuất gỗ tinh chế.
“Nếu thị xã mở được đường số 8 thì phía sau còn khoảng 5ha đất có thể kêu gọi những nhà đầu tư khác”, ông Tuấn cho hay.
Tương tự, đường số 4 hiện đang được Công ty HTC – sản xuất tà vẹt bê tông dự ứng lực và Công ty CP Bê tông Thừa Thiên Huế đầu tư kinh phí san lấp đường vào.
“Nếu mở được đường số 4, thị xã có thể khai thác 15-20ha đất phía sau để phát triển. Riêng đường số 6 (kinh phí 17,5 tỷ đồng) sẽ ưu tiên sau. Trước mắt, dự kiến giai đoạn 2021-2025, thị xã vẫn chưa đầu tư được hệ thống thoát nước thải”, ông Tuấn thông tin.
Tuấn Lương (st) Nguồn: baothuathienhue.vn