TP. Hà Nội đang khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tinh thần đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua khó khăn.

Gấp rút triển khai

Trước tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, với khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng. Quyết sách nhân văn, thiết thực này được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Để gấp rút triển khai Nghị quyết, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã yêu cầu các tỉnh, thành phố cần triển khai ngay chính sách hỗ trợ lao động, đặc biệt là lao động tự do và yêu cầu các địa phương giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền nhanh đến tay người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vì hiện nhiều nơi đang giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Đối với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu, cần chủ động triển khai luôn các chính sách hỗ trợ với tinh thần không ban hành thêm thủ tục, văn bản nào, chú ý chính sách cho nhóm lao động tự do. Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH, theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 68/NQ-CP, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện, khẩn trương thành lập Tổ công tác để tham mưu UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Ngày 7/7/2021, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có văn bản số 3699/SLĐTBXH gửi đến các Ban Giám đốc Sở, thành viên Tổ công tác, trưởng các phòng nghiệp vụ của Sở. Đồng thời, có ngay văn bản gửi dự thảo đến Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch, Cục Thuế, Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội Hà Nội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu trước để từng bước xây dựng hướng dẫn chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của sở, ngành trong tổ chức thực hiện.

Để sớm kịp thời thực hiện gói hỗ trợ hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội đã khẳng định nguyên tắc nhất quán, đó là điều gì tốt nhất cho người lao động, Hà Nội sẽ áp dụng, đồng thời đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Trên tinh thần này, Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương - cho biết, Hà Nội đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để cuối tháng 7/2021, các nhóm người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. “Quan điểm chỉ đạo của Sở là quá trình thực hiện phải cụ thể hóa về trình tự, thủ tục, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện trong tổ chức triển khai thực hiện” - bà Hương nhấn mạnh.

Tránh chồng chéo, trùng lặp

Theo đại diện Sở LĐTB&XH Hà Nội, năm 2020, Hà Nội đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho nhiều nhóm đối tượng. Các chính sách hỗ trợ trong năm 2020 được thực hiện theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 của UBND TP. Hà Nội cùng nội dung này.

Với sự quyết tâm cao, từ cuối tháng 4/2020 - 5/2021, Hà Nội đã hỗ trợ cho tổng số 515.515 người, với số tiền hơn 608 tỷ đồng. Trong đó, nhóm đối tượng là người lao động và hộ kinh doanh có 130.107 người được hỗ trợ với số tiền gần 131,6 tỷ đồng. Nhóm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên có 1.303 người được hỗ trợ với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) có 125.313 người được hỗ trợ với số tiền hơn 125 tỷ đồng... Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, thông qua việc triển khai chính sách, các cơ quan chức năng, trong đó Sở LĐTB&XH với vai trò chủ trì thực hiện, đã rút ra bài học sâu sắc, đó là phải rõ tiêu chí, rõ đối tượng, nguồn lực hỗ trợ mới đến đúng người cần trợ giúp.

Người lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn

Từ kết quả đạt được, Sở LĐTB&XH Hà Nội tiến hành xây dựng dự thảo về đối tượng, điều kiện, nguyên tắc được hỗ trợ và được chi trả đối với lao động tự do để đảm báo đúng quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và tình hình thực tế của Hà Nội. Trong đó, đối với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, trước khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này, do Cục Thuế TP. Hà Nội chủ trì thực hiện. Để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, ngành LĐTB&XH cùng ngành thuế sẽ rà soát, sàng lọc, bảo đảm mỗi người chỉ nhận được một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.

Đối với nhóm lao động tự do, theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, đối tượng ưu tiên đề xuất hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng về việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, những người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố và các địa phương (bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa…). Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ. Theo đó, có thể cùng là lao động tự do, nhưng người lao động ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác; địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn các địa phương khác. Trên cơ sở này, các sở, ngành, địa phương sẽ triển khai chi hỗ trợ cho các trường hợp đủ điều kiện; ước tính, Hà Nội có hàng trăm nghìn người đủ điều kiện nhận hỗ trợ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Sở LĐTB&XH Hà Nội hiện thiết lập đường dây nóng với 5 nhánh để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo Báo Công Thương