Mỗi nét trạm khắc trên gỗ đối với nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền (Thiết Úng, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội) đều đạt đến độ tinh tế làm lay động người chiêm ngưỡng.

Như một nghiệp dĩ nhiên như mọi người trẻ trong làng, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Truyền năm đó khi mới 13 tuổi, đã tay đục tay tràng lần học nghề từ người cha mình. Thừa hưởng đôi tay tài hoa từ ông, cha nhưng Nguyễn Văn Truyền vẫn như bao người thợ mới học nghề trong làng, quá trình học nghề của ông cũng trải quá rất nhiều gian nan, vất vả.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền (Thiết Úng, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội)

Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền nhớ lại: Ngày đó, ngoài thời gian tới trường, thời gian rảnh, ông đã phải làm quen để biết cách nhận biết, phân biệt từng loại gỗ. Phải mất thời gian rất dài tìm hiểu, học hỏi mới đạt đến trình độ chỉ nhìn qua khúc gỗ là biết gỗ có đạt chuẩn để làm tượng hay không, khúc gỗ đó dùng để tạc loại tượng nào thì phù hợp. Tiếp đó là quá trình học tạc tượng. “Quá trình này phải mất hai đến ba năm, trải qua thời gian đó người thợ mới có thể chạm khắc được những sản phẩm đơn giản nhất” – Nghệ nhân kể lại.
Để biết nghề thì mất mấy năm. Để thạo nghề, tạo ra sản phẩm thu hút được khách hàng có khi phải mất hàng chục năm vừa học hỏi, vừa mày mò nghiên cứu, theo thời gian, tuổi đời mà tích lũy thêm kinh nghiệm. Chưa kể, đây là nghệ thuật, phụ thuộc nhiều vào năng khiếucũng như sự tìm tòi, sáng tạo, cộng thêm cái tâm, sự đam mê, tâm huyết. Có được những “nguyên liệu” đó tiến trình học nghề sẽ nhanh hơn, những tác phẩm tạo ra sẽ tinh xảo hơn. Đó cũng là những điều kiện tiên quyết để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của nghề gỗ Thiết Úng, Vân Hà. Bằng sự say mê, tâm huyết với nghề điêu khắc gỗ với hy vọng nối nghiệp, gìn giữ và phát huy truyền thống của ông cha, đến giờ ông Nguyễn Văn Truyền đã trở thành nghệ nhân điêu khắc gỗ có tiếng ở đất Đông Anh (Hà Nội) mà không ai không biết.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền chế tác sản phẩm từ gỗ

Mỗi một tác phẩm đều được ông Nguyễn Văn Truyền chế tác rất tinh xảo, từ bố cục đến từng chi tiết được người nghệ nhân diễn tả rất đẹp và tinh tế. Chính điều đó đã tạo thành phong cách riêng mang thương hiệu Nguyễn Văn Truyền. Khó nhất là cái định hình và phác hoạ lúc đầu. Nếu phần đầu tiên mà không tính toán, phác hoạ tỉ mỉ là hỏng hết cả tác phẩm về sau. “Một khối gỗ có thành hình hay không đều do bàn tay của người thợ cả mà nên” ông Nguyễn Văn Truyền chia sẻ. Tâm niệm đó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt quãng thời gian gần 50 năm cầm đục của ông Nguyễn Văn Truyền. Hàng ngàn tác phẩm điểu khắc ra đời trong tâm thế đó. Ông có rất nhiều tác phẩm nhận được chứng nhận cho sự tài hoa, tay nghề của người nghệ nhân. Các tác phẩm tiêu biểu phải kể đến tượng gỗ Di lặc chế tác năm 2013; 3 pho tượng Phật Tam thế cao 1m20 làm tượng thờ tại chùa Viên Thông năm 2012; hai pho tượng Ngài địa tạng Vương Bồ tát và ngài Lạt Ma sư Tổ kích thước 183cm được trưng bày, chiêm bái tại gian chính chùa Nhị Châu xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội năm 2016….

 
Sản phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền

Nghề gỗ Vân Hà ngày nay đang khởi sắc, người nối nghề, đời truyền đời với mong muốn gìn giữ bản sắc quê mình. Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền tự hào cho biết: “Nhà có 2 cậu con trai, cả 2 người đều theo nghiệp cha, kế thừa và trở thành đời thứ 5 trong gia đình theo nghiệp gỗ. Đó là một điều đáng quý, không gì sánh bằng”. Lớp trẻ ở Vân Hà sau này không chỉ chắt lọc tinh hoa nghề truyền thống, lớp nghệ nhân và thợ làng nghề còn biết kết hợp với xu hướng hiện đại, những yếu tố thị trường để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, mang lại giá trị thương mại…
Theo dòng chảy của thời đại, công nghệ từng bước can thiệp vào qúa trình làm nghề, đó là một điều tốt nhưng những sản phẩm tạo ra hàng loạt, vô hồn và đại trà… làm mất dần đi “tiếng” của gỗ Vân Hà. Vì vậy, nghệ nhân vẫn luôn có một mối bận tâm, đó là làm sao để hài hòa giữa việc giữ gìn bản sắc và phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương. Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo các lớp kế cận, nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền không chỉ truyền dạy những bí quyết trong nghề, những kinh nghiệm dày công vun đúc, mà chữ “Tâm” với nghề luôn được nghệ nhân đặt lên hàng đầu.

 

Theo Báo Công Thương