Hà Nội: Khuyến khích, hỗ trợ làng nghề phát triển
TBV - Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Trong đó, 305 làng nghề, thuộc 23 quận, huyện và thị xã, được công nhận là làng nghề truyền thống, chiếm tới 60% tổng số làng nghề truyền thống của cả nước.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương quan tâm sát sao nhất đến việc phát triển các làng nghề, khi ban hành một loạt các chương trình, chính sách hỗ trợ các làng nghề trên địa bàn, như: Kế hoạch thực hiện chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, Quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội…
Thực tế cho thấy, các làng nghề của Thủ đô luôn được khuyến khích, hỗ trợ bằng các chính sách gắn với hai “trụ cột” là: Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020.
Song, bên cạnh sự tiếp sức mang tính truyền thống, dài hơi đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khác, phù hợp với bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến có ưu thế. Có thể kể ra chương trình xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề gắn với địa danh của Sở Khoa học và Công nghệ; chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu của Sở Công Thương; dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch của Sở Du lịch…
Làng nghề thêu tay truyền thống Quất Động.
Mới đây nhất, ngày 23-8, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 4526/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách các làng nghề, nội dung hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề Hà Nội năm 2019. Theo đó, ngân sách thành phố sẽ chi trả tối đa 100 triệu đồng/nội dung cho mỗi làng nghề; 3 nội dung được hỗ trợ là: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu cho các làng nghề; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề.
Sáu làng nghề nằm trong danh sách hỗ trợ bao gồm: Làng nghề chế biến nông sản Chi Nê (huyện Chương Mỹ), làng nghề mộc mỹ nghệ Phúc Trạch (huyện Thường Tín), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), làng nghề tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên), làng nghề nón lá Phú Châu (huyện Ba Vì), làng nghề chè Ba Trại (huyện Ba Vì).
Thực tế cho thấy đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Chàng Sơn, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) bán không chạy, giá còn thấp so với các sản phẩm cùng loại của Đồng Kỵ (Bắc Ninh) hay La Xuyên (Nam Định)… không phải do chất lượng mà xuất phát từ sự thua kém về thương hiệu, quảng bá, marketing.
Để có nhiều hơn nữa các làng nghề Thủ đô được biết đến rộng rãi, mạng lưới kinh doanh, xuất khẩu rộng khắp như làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Hà Đông…, cơ chế quản lý, quy hoạch, hỗ trợ của thành phố cần tiếp tục duy trì, thậm chí đẩy mạnh. Tuy nhiên, cũng không thể thiếu sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như từng người dân của làng nghề, đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất hoặc bị tổn hại nặng nhất khi thương hiệu phát triển hay mai một.
Một nhân tố quan trọng khác các cấp chính quyền cũng nên lưu tâm, đó là các doanh nghiệp, hộ cá thể làm ăn phát đạt, có thương hiệu trong các làng nghề - các tỷ phú nông dân. Một trong những bài học thành công trong quá trình gìn giữ, phát triển thương hiệu của các làng nghề truyền thống ở Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia những năm 80, 90 của thế kỷ trước được rút ra là: Thay vì đầu tư dàn trải, chính quyền sẽ hỗ trợ một số “đầu tàu” ở mỗi làng nghề và chính các hạt nhân đó sau khi đã nâng tầm sản xuất, kinh doanh, sẽ đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, quy tụ các hộ dân khác để kết nối, chung sức xây dựng chuỗi liên kết cùng phát triển lớn mạnh.
Cơ chế hỗ trợ hiệu quả của chính quyền, sự chủ động, chung sức của doanh nghiệp sẽ đưa các làng nghề của Thủ đô Hà Nội tiếp tục vươn xa.
Nguồn : Thời báo Làng nghề Việt