Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân thành phố Hà Nội, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Hà Nội đã có 188/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội, xây dựng nông thôn mới là cơ hội để Đảng và Nhà nước cùng thực hiện mục tiêu quốc gia là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về xây dựng nông thôn mới. Để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, Hà Nội đã chọn 3 xã làm điểm để thành phố trực tiếp chỉ đạo, mỗi huyện chọn 1 xã làm điểm để xây dựng nông thôn mới sau đó nhân rộng các xã. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chiếm 49,2% tổng số xã toàn thành phố, vượt mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đề ra là: Đến năm 2025 có ít nhất 40% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Vừa qua, Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, là Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) và Phú Đông (huyện Ba Vì). Năm 2020, Phú Đông đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, sau đó, Phú Đông đã huy động hơn 124 tỷ đồng đầu tư nâng cao các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, Phú Đông đã có hệ thống hạ tầng khang trang, đặc biệt là điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được xây dựng đạt chuẩn...

Trước đó, cuối tháng 5/2024, thành phố Hà Nội cũng quyết định công nhận 14 xã của huyện Thường Tín và huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Trong đó, riêng huyện Thường Tín có 11 xã gồm: Chương Dương; Duyên Thái; Hiền Giang; Hòa Bình; Nguyễn Trãi; Quất Động; Thắng Lợi; Tô Hiệu; Tự Nhiên; Văn Phú; Văn Tự; 3 xã thuộc huyện Mê Linh: Đại Thịnh, Tam Đồng, Tiến Thịnh.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh, để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân… về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thời gian qua, huyện Thường Tín đã tổ chức tuyên truyền chủ trương, các văn bản về xây dựng nông thôn mới tại các hội nghị chủ chốt. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, vận động đối với việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới cũng được huyện Thường Tín đặc biệt quan tâm, theo đó đã tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ lợi ích, xác định vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới.

Tại huyện Chương Mỹ, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, đến hết năm 2023, toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là 3 xã. Năm 2024, Thành phố giao chỉ tiêu huyện tập trung chỉ đạo 2 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, Chương Mỹ vẫn xây dựng kế hoạch và chỉ đạo 5 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra.

Ngay từ những tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy Chương Mỹ về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đã ban hành các kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/HU huyện khi có thay đổi trong công tác cán bộ. Cùng với đó, các ngành chuyên môn của huyện đã tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đối với 5 xã.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của người dân, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Song chưa tự bằng lòng với những thành quả đạt được, với quyết tâm cao độ hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2024 và về đích trước một năm Chương trình số 04-CTr/TU, các huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang tăng tốc hoàn thành hồ sơ liên quan đến xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định của Trung ương và Thành phố; tập trung giải ngân vốn đầu tư công phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, bảo đảm đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân. Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyên truyền để nâng cao hiệu quả, góp phần giữ vững và phát huy các tiêu chí cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ