Cụ thể, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, TTKC – XTCT đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố khảo sát nghiệm thu nhiều đề án khuyến công để hỗ trợ nguồn vốn mua sắm các trang thiết bị như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến chè Shan tuyết chất lượng cao; sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm phục vụ du lịch; sản xuất, chế biến chè giải độc gan; sản xuất sản phẩm công nghiệp phục vụ tiêu dùng; sản xuất và chế biến trà matcha; sản xuất và chế biến chè Phổ Nhĩ; ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến nông sản; ứng dụng máy móc tiên tiến chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng…
Việc hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ mới vào sản xuất giúp nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh hiện đại hóa thiết bị theo hướng hiện đại, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Điển hình, với nguồn kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng từ TTKC – XTCT, Công ty TNHH MTV An Phát công nghệ Xanh, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã mạnh dạn đầu tư máy sấy mùn cưa Lam Anh TECH JSC Model MS08 (công suất 2 tấn/giờ, xuất sứ tại Việt Nam, máy mới 100%) để sấy sản xuất viên gỗ nén với tổng chi phí 1,1 tỷ đồng. Theo anh Cao Văn Sáng - Giám đốc Công ty cho biết: Từ khi đầu tư máy sấy với công suất lớn đã làm tăng giá trị nguyên liệu qua sản xuất, đáp ứng được nhu cầu thị yếu của thị trường. Bình quân mỗi tháng, Công ty sản xuất được khoảng 700 tấn gỗ viên nén xuất khẩu sang hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản; tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 7 - 9 triệu đồng/người.
Các đề án khuyến công được triển khai thực hiện đã phát huy lợi thế của từng vùng, phù hợp với chiến lược phát triển của từng địa phương; các cơ sở được hỗ trợ có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất, hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kết nối cung - cầu giữa các cơ sở, tối ưu hóa quá trình đầu tư.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả các đề án khuyến công, TTKC - XTCT tăng cường thông tin hoạt động khuyến công tới các cấp; phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất, nắm bắt thông tin, nhu cầu của các cơ sở để lựa chọn xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nội dung khuyến công; bố trí lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển KT - XH của tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa tham gia vào hoạt động khuyến công; tư vấn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tìm hiểu mua máy móc, thiết bị công nghệ phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, củng cố thị trường trong nước, mở rộng thị trường nước ngoài…
ST: PTKD
Nguồn: Tạp chí CN & TD