Trung tâm Xúc tiến Công Thương tỉnh Hà Giang (Trung tâm) đã và đang tích cực triển khai kế hoạch khuyến công giúp các cơ sở sản xuất CNNT nâng cao năng suất chất lương, tận dụng nhu cầu thị trường đang phục hồi trở lại sau dịch bệnh. Các chương trình đề án khuyến công của tỉnh đã hướng đến việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư vào công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN-TTCN, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới.
Năm 2022, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã hỗ trợ các cơ sở CNNT thực hiện 13 đề án và một số nhiệm vụ chi với tổng số kinh phí là 2,823 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực: Chế biến chè, vật liệu tiêu dùng, chế biến gỗ, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch… Trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 2 đề án nhóm với 5 đơn vị thụ hưởng, khuyến công địa phương hỗ trợ 11 đề án và một số nhiệm vụ chi phục vụ công tác khuyến công. Dự kiến, tháng 11/2022, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu các đề án, hoàn thành nhiệm vụ khuyến công của năm.
Đầu năm 2022, nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung tâm Xúc tiến Công thương tỉnh Hà Giang, Công ty Cổ phần Đá Thành Tân Hà Giang đã đầu tư 01 máy in roland versa RF 640 để khôi phục sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, sản xuất quà tặng lưu niệm sau thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Đây là dòng máy in chuyển nhiệt khổ lớn hiện đại có thể đáp ứng vấn đề tốc độ, chất lượng và năng suất tốt, độ tin cậy cao. Ông Nguyễn Thành Minh - đại diện Công ty Cổ phần Đá Thành Tân Hà Giang cho biết: “Trong lúc tình hình kinh tế khó khăn thì Trung tâm khuyến công tỉnh đã hỗ trợ vốn kịp thời giúp công ty đầu tư máy móc thiết bị mới phục vụ cho sản xuất để khôi phục và phát triển hơn sau dịch bệnh”.
Mới đấy, Trung tâm đã hỗ trợ Công ty TNHH Trà thảo dược gia truyền xã Tân Quang, huyện Bắc Quang 80 triệu đồng (tổng kinh phí đề án là 264 triệu đồng) để đầu tư 01 máy đóng trà túi lọc. Đây là cơ sở chuyên sản xuất các loại trà hỗ trợ điều trị các bệnh về gan có uy tín của tỉnh Hà Giang và người dân các địa phương trong nước. Bà Nguyễn Thị Hội, chủ cơ sở sản xuất chia sẻ: Trước đây, khi máy móc còn thô sơ, cơ sở đóng gói bằng hộp to, không tiện cho việc sử dụng. Từ khi được Trung tâm hỗ trợ máy sản xuất trà túi lọc, đơn vị đã bán được nhiều sản phẩm hơn vì tiện lợi trong việc mang theo sử dụng hằng ngày.
Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã phát huy tác dụng rõ nét với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong sản xuất kinh doanh đầu tư mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Được sự quan tâm của Bộ Công Thương, tỉnh Hà giang đã tiếp cận với nguồn kinh phí khuyến công từ Trung ương để thực hiện các hoạt động, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Nội dung hỗ trợ tập trung vào việc áp dụng các mô hình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp. Cùng với đó, hàng năm UBND tỉnh đã quan tâm, bố trí kinh phí để hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp cở sở sản xuất CNNT đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng chuyển sang công nghệ đào tạo lao động, xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Qua đó, hoạt động khuyến công đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp đỡ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đa dạng hoá sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển CNNT tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Theo Làng nghề Việt