Thực hiện Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đồng thời hỗ trợ phát triển các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn tỉnh Đồng Tháp

Sở Công Thương đã tham mưu UBND Tỉnh ban hành các chính sách triển khai thực hiện các quy định trên và hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như: Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch khuyến công giai đoạn 2016-2020.

Để hoạt động Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu triển khai bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, ngay từ đầu năm Sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Tỉnh, triển khai đến các huyện, thị thành phố trên địa bàn Tỉnh để thực hiện. Sở đã tham mưu UBND Tỉnh thành lập Hội đồng xét chọn các sản phẩm trình UBND Tỉnh phê duyệt…. Bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan như:
Từ khi thực hiện Thông tư số 26/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 81 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 22 sản phẩm cấp khu vực, 08 sản phẩm cấp quốc gia của 71 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Các sản phẩm tham gia và được đạt chứng nhận tập trung ở 3 lĩnh vực là chế biến thực phẩm, cơ khí - chế tạo, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm tham gia bình chọn cơ bản là những sản phẩm công nghiệp nông thôn đặc thù của tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm truyền thống và có những sản phẩm mới; nhiều sản phẩm tham gia bình chọn đã khẳng định ưu thế về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ mạnh như: nhóm bánh phồng tôm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, sản phẩm từ bột của Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi... Đồng thời, thông qua chương trình bình chọn còn phát hiện được nhiều sản phẩm mới sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, đang được thị trường chấp nhận và có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới như: Xoài sấy dẻo; Trà lá sen,...

 Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ có các cơ sở phát triển sản phẩm trên thị trường, có 32 cơ sở, doanh nghiệp đạt chứng nhận các cấp được Tỉnh hỗ trợ kinh phí (khuyến công) thực hiện thay đổi máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại, hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nhằm tạo sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tỉnh đã tổ chức 24 đợt tham gia, tham quan hội chợ, 03 đợt tham quan học tập kinh nghiệm. Thông qua chương trình này đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, mở rộng thịm trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Một số sản phẩm của các cơ sở đã được người tiêu dùng trong khu vực biết đến (Muối sấy Ngọc Yến, trái cây sấy Nam Huy, Máy liên hợp thu hoạch bắp, máy cuộn rơm tự hành Phan Tấn,....). Nhiều khách hàng đã quan tâm tìm hiểu sản phẩm và liên hệ trực tiếp để đặt hàng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình còn gặp một số khó khăn nhất định như: hoạt động hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu chưa được các cơ sở công nghiệp nông thôn thực sự quan tâm và tham gia. Vì xây dựng thương hiệu còn đòi hỏi phải có thời gian, khả năng về tài chính và nhân lực phù hợp. Do đó, hầu hết các cơ sở chỉ tập trung vào khâu sản xuất sản phẩm nhằm tận dụng nguồn lao động rẻ, nông nhàn, chưa chú trọng đến các khâu có thể đem lại giá trị gia tăng cao như nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, thiết kế mẫu mã, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nông thôn chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nên chưa nhiệt tình tham gia.

Để hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại những hiệu quả thiết thực góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Sở Công Thương Đồng Tháp đề ra một số giải pháp thực hiện hoạt động hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong thời gian tới như sau: Rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương. Thực hiện việc phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và UBND cấp huyện đối với hoạt động hỗ trợ trên địa bàn. Nâng cao năng lực, bộ máy của khuyến công ở địa phương;  Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú với các nội dung thiết thực, phù hợp cho từng đối tượng về các vấn đề liên quan tới hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và các doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ. Phối hợp các đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ theo chuỗi; chủ động tham gia phối hợp với Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư để hỗ trợ phát triển cơ sở, doanh nghiệp, cụ thể như:  Tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; ưu tiên đối với những đề án đổi mới và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; 

Quan tâm đến hỗ trợ phát triển sản phẩm về nhãn hiệu, bao bì; đăng ký sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp để phát triển thương hiệu; Tăng cường các hoạt động xúc tiến giao thương, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu để đưa sản phẩm đến với các thị trường; Gắn việc phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn với phát triển du lịch để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm quà tặng truyền thống của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm; Tăng cường đi cơ sở để trao đổi, nắm bắt và cung cấp thông tin cho các cơ sở, doanh nghiệp nhằm xây dựng mối quan hệ tốt giữa các doanh nghiệp với hoạt động khuyến công, đồng thời nắm vững tình hình hoạt động của các cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để từ đó có những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp củng cố và phát triển sản xuất.

QL-KConline