Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn sẽ chiếm khoảng 8,5% trong cơ cấu sản xuất của tỉnh; đồng thời đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) công nghiệp vùng nông thôn phát triển.
* Khuyến khích DN nâng cao năng lực sản xuất
Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh trong 5 năm tới hướng đến mục tiêu huy động có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp DN vùng nông thôn hội nhập với kinh tế quốc tế. Cụ thể, sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng về thị trường trong và ngoài nước như: dệt may, chế biến nông sản thực phẩm, gỗ gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường... Song song đó là hỗ trợ các DN này về năng lực quản lý và chất lượng nguồn nhân lực, khả năng phát triển mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao giá trị cho công nghiệp vùng nông thôn.
Để triển khai nhiệm vụ nói trên, Đồng Nai đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025 bình quân hằng năm từ 5-5,4%/năm, chiếm tỷ trọng 8-8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp nông thôn đạt 900 triệu USD, tăng trưởng bình quân đạt 5,2-6%.
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn toàn tỉnh vào khoảng 71 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hơn 41 tỷ đồng, thu hút từ các cơ sở công nghiệp nông thôn 28 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác. Sẽ có 47 cơ sở công nghiệp nông thôn được cấp một phần kinh phí để ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất, đồng thời được tập huấn, đào tạo tay nghề cho người lao động cũng như giải pháp để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng...
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở mộc mỹ nghệ Thành Nhân ở H.Trảng Bom, Đồng Nai rất có tiềm năng phát triển các ngành nghề công nghiệp nông thôn, trong đó có mộc mỹ nghệ. Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay năng lực sản xuất của từng đơn vị cá thể còn rất nhỏ, khó đáp ứng các yêu cầu cao của xuất khẩu. Các cơ sở vẫn chưa liên kết được với nhau để có thể tạo ra năng lực sản xuất tập trung lớn hơn. Đây cũng là điều trăn trở bấy lâu nay mà các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính sách nhà nước.
Để phát triển công nghiệp nông thôn một cách bền vững cần có sự góp sức của nhiều chương trình, đề án. Một trong những nội dung quan trọng đối với phát triển công nghiệp vùng nông thôn là hỗ trợ, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp. Trong đó có hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông sản và đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. Để từng bước thực hiện nội dung trên, Đồng Nai đang xây dựng Nghị quyết về chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp do ngân sách địa phương đảm bảo trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, sẽ hỗ trợ ứng vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp, hỗ trợ chỉnh trang cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp đã lấp đầy trên 50% diện tích đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 cũng đạt kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh có 46 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, đạt 283% mục tiêu giai đoạn 2018-2020. Trong đó có 27 sản phẩm đạt 3 sao, 18 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao đầu tiên là bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 Bunga của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán). Trong những năm tới, sẽ có thêm nhiều sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, từ đó nâng mức độ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm, DN tham gia chương trình.
Không chỉ đầu tư trực tiếp vào sản xuất, để kéo DN về với khu vực nông thôn, tham gia vào chế biến sâu các mặt hàng nông sản địa phương, Đồng Nai cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng ở khu vực này. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, kết nối với các trục chính sẽ mở rộng không gian phát triển, thu hút nhiều hơn DN về các địa phương vùng nông thôn, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách mới để DN yên tâm phát triển.
Theo Báo Đồng Nai