Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng này, Đồng Nai luôn đề cao vai trò của công tác khuyến công. Theo đó, thông qua kế hoạch khuyến công tỉnh năm 2019, địa phương đã phân bổ nguồn kinh phí đáng kể tới 6,71 tỷ đồng cho triển khai các chương trình, đề án. Nguồn vốn này cũng kỳ vọng thu hút trên 4,316 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng đầu tư vào mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Từ nguồn kinh phí được phân bổ, Trung Tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai từng nội dung đề án. Cụ thể, trung tâm sẽ hỗ trợ trình diễn 1 mô hình kỹ thuật phổ biến công nghệ sản xuất mới, hỗ trợ cho 6 cơ sở sản xuất CNNT đầu tư ứng dụng thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất. Nội dung này chiếm một lượng kinh phí đáng kể, với gần 2 tỷ đồng và thu hút khoảng 3,59 tỷ đồng vốn đối ứng, được kỳ vọng sẽ giúp các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất, tăng chất lượng và giá thành sản phẩm.
Trung tâm cũng hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia 3 hội chợ, quảng bá khoảng 300 sản phẩm CNNT; đồng thời hỗ trợ kinh phí thuê 8 gian hàng tại các hội chợ, triển lãm trong nước; hỗ trợ 1 cơ sở đầu tư phòng trưng bày sản phẩm của đơn vị sản xuất để quảng bá thương hiệu trực tiếp đến tận người tiêu dùng, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, dự kiến có 20 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh, 11 sản phẩm cấp khu vực… Nội dung này nhằm mục tiêu kết nối cung - cầu, mở rộng cơ hội tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm CNNT.
Ngoài ra, trung tâm cũng có kế hoạch triển khai nhiều nội dung khác, như: Đào tạo nghề cho khoảng 385 lao động, tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho 400 người, hỗ trợ thuê tư vấn marketing, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán; hỗ trợ quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp…
Để những chương trình, đề án trên được triển khai đúng kế hoạch, mang lại hiệu quả thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng, trung tâm cũng sớm xây dựng nhiều giải pháp, bao gồm cả ngắn và dài hạn. Trong đó, sẽ rà soát, đề xuất Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành mới, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khuyến công phù hợp quy định của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh. Triển khai cơ chế, chính sách về khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến công. Tiếp tục triển khai chương trình phối hợp giữa Sở Công Thương với Tỉnh Đoàn, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân, Hiệp hội ngành nghề… về triển khai hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển CNNT, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến cơ sở CNNT thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã.
Đồng Nai hiện có 9.839 cơ sở CNNT, trong đó loại hình hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng lớn, tới 85,6%. Đây được xác định là đối tượng thụ hưởng, cũng là lực lượng chính đóng góp vào phát triển ngành CNNT Đồng Nai.
Theo Báo Công Thương