Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực do các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất với đơn hàng xuất khẩu gia tăng. Dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng trên 7% so cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò quan trọng trong toàn ngành và duy trì mức tăng trưởng ổn định cao hơn bình quân chung (nhất là ở các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh như: Dệt, trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ)…
Hoạt động xuất, nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,27 tỷ USD, tăng 13,26% so cùng kỳ.Trong đó khu vực trong nước ước tăng 35,05%, khu vực FDI ước tăng 7,41%. Phần lớn mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá như: Giày dép các loại +9,53%; dệt may +10,92%; sản phẩm gỗ +3,05%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng +16,66%; sản phẩm từ sắt thép +42,48%; sản phẩm từ chất dẽo +34,08%; xơ sợi dệt các loại +6,57%; phương tiện vận tải và phụ tùng +4,92%; cà phê +40,54%; hạt tiêu +22,41%. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 9,82 tỷ USD, tăng 1,42% so cùng kỳ. Trong đó khu vực trong nước ước tăng 9%, khu vực FDI ước giảm 0,62%.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu tăng thấp chủ yếu do: Các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liêu từ cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 để sản xuất theo các đơn hàng ký kết. Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến việc nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc bị khó khăn hơn, do đó nhiều doanh nghiệp đã xoay sở tìm nguồn cung trong nước để đảm bảo thời gian giao hàng với nhà nhập khẩu.
Dự kiến cán cân thương mại toàn tỉnh 6 tháng đầu năm xuất siêu khoảng 3,45 tỷ USD.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, để duy trì và đạt kế hoạch năm, Sở Công Thương Đồng Nai đã xây dựng nhiều giải pháp. Về công nghiệp, tiếp tục nắm bắt và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch trong điều kiện khó khăn hiện nay. Hướng dẫn các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng bình ổn giá do ngành công thương quản lý; tăng cường kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, công tác bình ổn giá tại các chợ, siêu thị...; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu.
Về thương mại, tỉnh tiếp tục tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm giúp doanh nghiệp khai tác, tận dụng tối đa hiệu quả các lợi thế, các cơ hội từ các hiệp định này gắn với lợi thế của tỉnh để mở rộng đầu tư, đa đạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến một cách chuyên sâu, theo từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu.
Theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
TQL. KConline