An Giang hiện có gần 6.000 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với tổng quy mô dân số trên 2 triệu người, mục tiêu đến năm 2020, Tỉnh có 10.000 doanh nghiệp. Năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Tỉnh đạt gần 100.000 ngàn tỷ đồng, trong đó bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ lệ trên 70%. Xác định nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp là trọng tâm, trong hai năm 2017 - 2018 Sở Công Thương An Giang đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hàng năm, Sở phối hợp các doanh nghiệp và địa phương tổ chức đa dạng các sự kiện như: Phiên chợ đặc sản vùng miền; Tuần lễ các sản phẩm truyền thống, đặc trưng tỉnh An Giang; Tuần lễ Khuyến mãi, tổ chức chuyển hàng Việt về nông thôn… Doanh thu bình quân của mỗi phiên chợ tổ chức đạt trên 500 triệu đồng. Có thể nói, các hoạt động thương mại trong Tỉnh đã góp phần đưa sản phẩm của các doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng đối với thị trường, nhiều dòng sản phẩm được thiết lập kênh phân phối và được người tiêu dùng đón nhận, từ đó tạo ra một thị trường thương mại hàng hóa đầy đủ và rộng khắp. Chương trình hàng Việt về nông thôn do Sở Công Thương tổ chức đã trở thành thương hiệu đối với người tiêu dùng tại địa phương.

Sở cũng phối hợp các doanh nghiệp trong Tỉnh thực hiện chương trình bình ổn thị trường, như: Phối hợp với 19 doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh. Kết quả, các nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân luôn được ổn định, thương hiệu của các doanh nghiệp tham gia ngày càng giữ vững và được người tiêu dùng tin tưởng. Doanh thu hàng hóa của 19 doanh nghiệp tham gia đạt xấp xỉ 1.210 tỷ đồng/kỳ bình ổn.

Trong 2 năm 2017 - 2018, Sở Công Thương An Giang đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước cũng như các tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đắk Nông, Quảng Ninh… tổ chức Hội nghị giao thương. Ngoài ra, để sản phẩm tham gia kết nối giao thương được giới thiệu, quảng bá cũng như tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng địa phương, Sở Công Thương An Giang đã lồng ghép tổ chức các chợ phiên đặc sản tại Tỉnh, đã phần nào tác động tích cực đến hiệu quả giao thương, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp tham gia.

 Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tăng cường công tác triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tác động tích cực với người tiêu dùng thực hiện các dự án truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả; truy xuất nguồn gốc thịt heo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ thông qua Chương trình khuyến công,…những hoạt động hỗ trợ đó đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm doanh nghiệp, tạo tiền đề để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước được các doanh nghiệp và Sở Công Thương tỉnh, thành ủng hộ và tích cực hỗ trợ, phối hợp.


KC-Arit