Phát huy lợi thế
Đến nay Chương trình OCOP đã có những thành công bước đầu và thể hiện sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018- 2020 cấp tỉnh, đồng thời xác định những sản phẩm thế mạnh, đặc thù. Nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất, tiêu thụ tốt trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao
Tại Sóc Trăng đến nay đã có 39 sản phẩm của 21 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh được công nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao. Tỉnh đã thành lập cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Là một trong những tỉnh thực hiện chương trình OCOP sớm nhất của vùng ĐBSCL, tỉnh Hậu Giang hiện có 3 sản phẩm nổi tiếng tham gia OCOP là khóm Cầu Đúc, cá thát lát Hậu Giang, sản phẩm thủ công mỹ nghệ (đan lục bình) ở thành phố Vị Thanh và sản phẩm mãng cầu xiêm, bưởi da xanh và khóm... huyện Long Mỹ.
Còn tại thành phố Cần Thơ, các sản phẩm OCOP tập trung vào 6 nhóm ngành hàng gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, đồ lưu niệm, dịch vụ du lịch nông thôn. Nhiều sản phẩm OCOP đã có thương hiệu được tiêu thụ mạnh.
Bến Tre cũng là tỉnh được chọn làm điểm kiểu mẫu của cả nước triển khai chương trình OCOP. Đến nay, tỉnh đã thống kê sơ bộ được gần 300 sản phẩm tiềm năng. Nhiều sản phẩm có tiềm năng phát triển như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng. Bên cạnh đó, còn nhiều sản phẩm chế biến từ dừa, các loại trái cây, đồ thủ công mỹ nghệ gắn với cây dừa và cả một số điểm du lịch sinh thái.
Cùng với các tỉnh, thành phố trong vùng, Aồng Tháp được đánh giá là tỉnh nhiều tiềm năng, lợi thế để hình thành và phát triển các sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh đã công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt thứ hạng từ 3 - 4 sao cho 70 sản phẩm của 30 DN; trong đó có 23 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung Tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thông qua các hoạt động kết nối, tiêu thụ thời gian qua nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để sản phẩm vươn xa, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần- Trưởng Khoa phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ) - cho rằng, các địa phương cần chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu công bố chất lượng sản phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm, mẫu mã, bao bì đẹp... Mỗi sản phẩm khẳng định được vị trí, uy tín đối với người tiêu dùng, vươn xa đến nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Các địa phương vùng ĐBSCL cần tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương trong quy hoạch chung của cả vùng.
nguồn: Công thương điện tử