Mối quan hệ hỗ trợ của làng nghề và doanh nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp và làng nghề có mối quan hệ tương tác, tạo động lực phát triển cho nhau. Trong đó, doanh nghiệp vừa là đầu mối tạo việc làm, thu nhập cho lao động, vừa là nhân tố quan trọng hình thành thương hiệu làng nghề, phát triển các sản phẩm chủ lực mang yếu tố đặc trưng riêng của mỗi làng nghề. Làng nghề với những giá trị văn hóa nghề lâu đời là nền tảng, bệ đỡ vững chắc để cho các doanh nghiệp sáng tạo, phát triển.
Tại thị xã Duy Tiên (Hà Nam), nơi có 9 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Sản phẩm của một số làng nghề đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Qua đó, góp phần tạo việc làm, thu nhập thường xuyên, ổn định cho khoảng 2.300 lao động, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hiện nay, Duy Tiên có đa phần các cơ sở sản xuất, kinh doanh là nông hộ với quy mô nhỏ lẻ trong khu dân cư. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm không đồng đều cũng khiến cho sản phẩm của làng nghề khó tiêu thụ. Vì vậy, việc khuyến khích các cơ sở sản xuất ở làng nghề mạnh dạn đầu tư, phát triển lên mô hình doanh nghiệp, HTX trong thời gian qua đã được thị xã Duy Tiên đặc biệt quan tâm.
Theo ông Phạm Văn Thập - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên, đến nay, tại hầu hết các làng nghề đều đã hình thành, phát triển được đội ngũ doanh nghiệp làng nghề. Toàn thị xã hiện có 16 doanh nghiệp, HTX đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 9 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các doanh nghiệp, HTX hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng nâng tổng doanh thu của các làng nghề năm 2022 lên trên 1.000 tỷ đồng.
Thị xã đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã ở làng nghề. Đặc biệt, thông qua việc triển khai các chương trình, đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, thị xã dành sự quan tâm, ưu tiên đối với doanh nghiệp trong các làng nghề. Bởi lẽ, nhìn từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề có thể thấy, đội ngũ doanh nghiệp, hợp tác xã luôn giữ vai trò hạt nhân, vừa đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với sản lượng lớn, vừa là đầu mối bao tiêu sản phẩm, cung ứng nguyên phụ liệu và là cầu nối phân công chuyên môn hóa cho các hộ sản xuất trong làng nghề.
Những mô hình tạo ra giá trị cho làng nghề
Nhiều doanh nghiệp, HTX ở lụa Nha Xá đã đầu tư máy móc giúp nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề truyền thống. |
Ở làng nghề truyền thống dệt lụa Nha Xá, HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến là đơn vị nổi bật với 15 thành viên là những nghệ nhân, thợ giỏi, chủ cơ sở sản xuất lụa có tiếng của làng nghề. HTX đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề. HTX xây dựng các hoạt động về du lịch tâm linh đền Lảnh Giang kết hợp du lịch làng nghề dệt lụa Nha Xá theo chuỗi, tour, hoặc theo yêu cầu cá nhân khách hàng.
Theo ông Nguyễn Tiến Quảng - Phó Giám đốc HTX Hồng Tiến cho biết: “Mỗi du khách khi đặt chân đến Nha Xá đều được thành viên của HTX Hồng Tiến tiếp đón, giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển làng nghề, cũng như những sản phẩm lụa của làng nghề. Đa phần du khách đều cảm thấy hấp dẫn khi tìm hiểu về lịch sử làng nghề và được trực tiếp tham quan, tham gia vào hoạt động dệt vải. Thông qua đó, sản phẩm của làng nghề cũng được đẩy mạnh tiêu thụ. Năm 2022 mặc dù thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, nhưng doanh thu làng nghề vẫn đạt xấp xỉ 81 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.”
Còn tại làng nghề truyền thống mây tre đan Ngọc Động, với việc hình thành và phát triển của 6 doanh nghiệp, sản phẩm mây tre đan của làng nghề làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Được biết, ngoài 6 doanh nghiệp, tổ dân phố Ngọc Động còn có khoảng 300 hộ dân tham gia làm nghề, mỗi hộ có từ 1 - 4 lao động làm việc thường xuyên. Nhiều hộ nhận sản phẩm gia công tại nhà cho các doanh nghiệp trong làng nghề.
Nhờ sự nhạy bén của các doanh nghiệp trong nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường, năng động, sáng tạo trong sử dụng kết hợp nhiều loại nguyên liệu, như mây, song, giang, bèo tây, tre để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nên sản phẩm của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính ở châu Âu, châu Á, nhất là Nhật Bản, Mỹ… Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm làng nghề đạt mức doanh thu khoảng 35 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Tấn, Chủ tịch UBND phường Hoàng Đông khẳng định: Kết quả mà làng nghề truyền thống mây tre đan Ngọc Động đạt được trong thời gian qua có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp. Trải qua lịch sử hình hành, phát triển, làng nghề có lúc suy, lúc thịnh. Và chính trong những thời điểm khó khăn nhất, các doanh nghiệp làng nghề vẫn thể hiện được vai trò quan trọng trong việc khôi phục, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề, điển hình như: Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động, Công ty TNHH Thanh Tiến, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hợp Thành, Doanh nghiệp tư nhân Thanh Hằng… Các doanh nghiệp này gần như giữ vai trò bảo đảm về thị trường, khách hàng, vốn, công nghệ, thiết bị, sản lượng hàng hóa, việc làm ổn định cho các hộ sản xuất trong làng nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, sự phát triển đội ngũ doanh nghiệp làng nghề tại thị xã Duy Tiên cũng như trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, trong thời gian tới, thị xã Duy Tiên sẽ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề tiếp cận, khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ; phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức quản lý, quản trị kinh doanh cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển nghề, làng nghề một cách bền vững./.
Nguồn: Tạp chí Làng nghề Việt
Sưu tầm: TTH