Đảng ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh Đồng Tháp đã đánh giá đúng vai trò và vị trí của các CCN trên địa bàn Tỉnh, nhằm hỗ trợ phát huy được tiềm năng, lợi thế và khẳng định thế mạnh nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy hải sản của địa phương, các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, đặc biệt là đầu tư phát triển CCN, để thu hút các DN vệ tinh, DN vừa và nhỏ phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy hải sản,
Đứng trước nhu cầu và tình hình thực tế về đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn và thực hiện chủ chương chính sách, định hướng chiến lược phát triển CCN trên địa tỉnh Đồng Tháp, UBND Tỉnh đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tại Quyết định số 1317/QĐ-UBND.HC ngày 11/11/2016; theo đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 32 CCN với tổng diện tích 1.623 ha.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 15 CCN được thành lập, với tổng diện tích theo quyết định thành lập 536,36 ha; 12 CCN đã hoạt động với tổng diện tích 393,5 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 77%; Tỉnh đã thu hút được nhiều ngành nghề vào đầu tư sản xuất trong CCN (như các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến phụ phẩm, xay xát, đánh bóng gạo, thực phẩm, may mặc,…); đến nay mới thu hút được 62 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 15.395 tỷ đồng, trong đó có một số dự án quy mô lớn đã hoạt động sản xuất có hiệu quả, nên chủ đầu tư đã mở rộng, tăng thêm năng lực sản xuất công nghiệp như: Dự án giày da của Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong; dự án thức ăn chăn nuôi của Công ty Mavin Austfeed; dự án sản xuất Bia - Nhà máy Bao bì Sabeco - Đồng Tháp của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây; Nhà máy Collagen Vĩnh Hoàn; Nhà máy thức ăn thuỷ sản Sao Mai Super Feed,... Các CCN hoạt động trên địa bàn đã tạo việc làm cho khoảng 18.000 lao động tại địa phương.
Về bảo vệ môi trường tại các CCN, trong số 12 CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có 05 CCN đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường như: CCN Cần Lố và CCN Phong Mỹ huyện Cao Lãnh, CCN Vàm Cống huyện Lấp Vò và CCN Phú Cường huyện Tam Nông,... Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, mặc dù các CCN còn lại chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, nhưng các nhà máy hoạt động sản xuất trong các CCN phải tuân thủ theo quy định là đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng và thực hiện công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định trước khi thải ra môi trường.
Công tác quản lý CCN trên địa bàn tỉnh cũng được UBND tỉnh, và các Sở, ban, ngành quan tâm. Hiện nay UBND tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng "Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" để tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch; trong đó, có phương án bố trí quỹ đất hợp lý để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của Tỉnh trong giai đoạn tới; phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đất đai, tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên, lao động, vốn, kết cấu hạ tầng,… để các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội bền vững. UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 08/10/2018 về Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã thông qua Nghị quyết số 231/2019/NQ-HĐND ngày 02/4/2019 về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn; các văn bản nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành, tổ chức, DN thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục quy hoạch, thành lập, đầu tư hạ tầng CCN, hỗ trợ phát triển CCN trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Anh Tuấn - CCN