Năm 2023 - lần đầu tiên Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn được IPC1 đưa lên nền tảng công nghệ ảo, mang lại sự khác biệt đáng kể.

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo

Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1), Cục Công Thương địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn (CNNT). Đây là 1 trong 3 sự kiện lớn diễn ra trong cùng thời điểm, 2 sự kiện khác gồm: Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công; lễ tôn vinh và cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.

Hội chợ triển lãm dự kiến diễn ra từ ngày 15-19/12/2023 tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia, thành phố Hà Nội nhằm trưng bày, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm CNNT và tạo ra cơ hội cho các cơ sở quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, tiếp cận trực tiếp và tri ân khách hàng. Hội chợ triển lãm cũng là cơ hội cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn tiêu dùng thông minh trong nền kinh tế hàng hóa đa dạng như hiện nay.

Chia sẻ về công tác tổ chức, ông Nguyễn Toàn Thắng- Giám đốc IPC 1 cho biết: Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành công tác chiêu thương và đang triển khai thủ tục liên quan đến đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ để tổ chức. Dự kiến năm 2023, Hội chợ triển lãm có quy mô 250 gian hàng tiêu chuẩn và 500 m2 dành cho khu vực triển lãm. “Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, Hội chợ triển lãm năm nay sẽ thu hút được doanh nghiệp của 45/63 tỉnh, thành phố tham dự”, ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin.

Đặc biệt, năm 2023- lần đầu tiên Hội chợ triển lãm được thử nghiệm tổ chức trên nền tảng công nghệ thực tế ảo cho phép người xem tham gia và tương tác trực tuyến đơn giản và tiện lợi chỉ với các thiết bị điện tử thông minh.

Hội chợ triển lãm ảo cho phép tích hợp nhiều thông tin về từng gian hàng, sản phẩm, thông tin liên hệ, giúp đơn vị tổ chức sự kiện lan tỏa tinh thần gắn kết doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở CNNT. Bên cạnh đó, Hội chợ triển lãm ảo còn tích hợp các tính năng đặc biệt như thuyết minh tự động, dẫn chương trình ảo, hướng dẫn chỉ đường giúp quá trình tham gia trải nghiệm của khách hàng trở nên thuận tiện hơn, dễ dàng tìm kiếm khu vực, sản phẩm mà mình muốn.

Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm ảo sẽ được nhận diện thương hiệu, sản phẩm số hóa 3D trong không gian showroom ảo với đa tính năng liên kết, là cơ hội được kết nối giao thương hiệu quả theo mô hình B2B và B2C.

Hội chợ triển lãm ảo là nét mới cũng là một trong những hoạt động tích cực của IPC1 đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay”, lãnh đạo IPC1 nhấn mạnh. Ông cũng đồng thời nhận định, công nghệ thực tế ảo đã và đang là một xu hướng phát triển và phổ biến trên toàn thế giới. Việc tổ chức Hội chợ triển lãm ảo cũng là một trong những hoạt động tích cực để xúc tiến đầu tư và thương mại với mục tiêu đồng hành với doanh nghiệp trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khuyến công

Từ góc nhìn của lãnh đạo đơn vị nhiều năm tổ chức Hội chợ triển lãm hàng CNNT, ông Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận, đã có sự thay đổi khá rõ nét của các sản phẩm tham dự. Trước tiên là sự đa dạng về mẫu mã bao bì sản phẩm, cùng đó là sự thích ứng linh hoạt về chủng loại sản phẩm với những thay đổi thị trường trong và ngoài nước và sự chú trọng về vấn đề chất lượng sản phẩm. Những thay đổi trên phản ánh sự chuyển biển rõ rệt về nhận thức, hành động của các cơ sở CNNT với sản xuất, thị trường và sản phẩm.

Không chỉ tổ chức Hội chợ triển lãm hàng CNNT năm 2023, IPC 1 còn được giao nhiệm vụ triển khai nhiều đề án khuyến công quốc gia tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Những đề án lớn về quy mô, rộng về đối tượng thụ hưởng.

Trong đó, từ đầu năm tới nay IPC 1 đã tổ chức thực hiện 3 đề án khuyến công điểm trong các lĩnh vực dệt may, cơ khí, lâm sản; xây dựng và triển khai 3 đề án nhóm về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến cho các cơ sở CNNT trong các lĩnh vực chế biến nông sản; chế biến thủy hải sản và sản xuất bao bì đóng gói.

Cùng đó, hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa sản phẩm nhằm quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm CNNT, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm … thông qua môi trường mạng internet.

Ngoài ra, IPC1 còn triển khai nhiều nội dung hoạt động về tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác phát triển sản phẩm CNNT, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, quảng bá hình ảnh, tiếp cận thị trường, khách hàng.

Nói về định hướng công tác khuyến công năm 2024 và những năm tiếp lãnh đạo IPC1, thông tin, đơn vị tập trung vào các hoạt động như: Đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, giúp các cơ sở đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến; quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước…Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng chuyển đổi số trong công tác khuyến công.

Tiếp tục xây dựng và thực hiện các đề án điểm về hỗ trợ phát triển ngành dệt may, cơ khí, chế biến các sản phẩm từ gỗ và tre nứa; triển khai các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở CNNT; xây dựng các đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản; sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng… cùng các nhiệm vụ khác được giao.

Nguồn: congthuong.vn

ST: TTH

Tin đã đăng