Mùa Xuân, xin bàn về lớp nghệ nhân trẻ - Tương lai và Mùa Xuân của làng nghề. Cùng với tôn vinh các nghệ nhân đứng tuổi, việc quan tâm đào tạo lớp nghệ nhân trẻ và đặt trọn niềm tin vào họ là một nhiệm vụ quan trọng để tiếp nối và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa của làng nghề nước ta.

Từ năm 2007 đến năm 2019, qua chín lần bình chọn, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tôn vinh 835 nghệ nhân và 68 thợ giỏi; Cứ qua mỗi đợt, tỷ lệ số nghệ nhân trẻ lại tăng thêm (khoảng 35% có độ tuổi 30 đến 40), đánh dấu một thế hệ nghệ nhân trẻ đã hình thành và ngày một trưởng thành. Họ đang tiếp nối rất xứng đáng thế hệ cha, ông, là những hạt giống quý, bông hoa đẹp làm rạng rỡ vườn hoa nhiều sắc màu của làng nghề nước ta, đang cần được phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, phát huy. 

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI TRỘI CỦA LỚP NGHỆ NHÂN TRẺ

Qua khảo sát một số làng nghề, có thể khái quát những đặc điểm nổi trội của lớp nghệ nhân trẻ làng nghề nước ta hiện nay như sau: Đặc diểm nổi trội nhất của lớp nghệ nhân trẻ ngày nay là gắn bó, tâm huyết với làng nghề. Trải qua nhiều năm sống trong làng nghề, họ càng ngày càng tăng thêm hiểu biết và trân quý giá trị văn hóa làng nghề; Tình yêu làng quê và nghề thủ công truyền thống của quê hương đã thấm dần vào máu thịt, thành lẽ sống, niềm đam mê của lớp trẻ. Được Đại hội XIII của Đảng hiệu triệu về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, lớp nghệ nhân trẻ được bồi dưỡng thêm sức mạnh, càng thêm phấn khởi thể hiện ý chí, khát vọng phát triển làng nghề bền vững hơn trong thời kỳ mới.  

Nhiều nghệ nhân trẻ có trình độ học vấn cao hơn lớp cũ. Trước đây, hầu hết đếu là “cha truyền, con nối”: Từ thế hệ nghệ nhân Lê Văn Kinh (sinh năm 1931) nổi tiếng về nghề thêu ở Huế, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan (1933-2021) về nghề kim hoàn ở Đồng Xâm, Thái Bình đều là do cha, ông truyền nghề, đến thế hệ nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (sinh 1953) nổi tiếng về nghề mây tre đan ở Phú Vinh, Hà Nội cũng chỉ học hàm thụ tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh (sinh 1965) nổi tiếng về sản phẩm gỗ phục vụ tâm linh ở Sơn Đồng, Hà Nội cũng trưởng thành từ gia đình. Ngày nay, trình độ học vấn của lớp nghệ nhân trẻ đã hơn lớp trước khá nhiều. Phần lớn đã qua trung học phổ thông, một số qua các trường dạy nghề của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một số qua Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp hoặc các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Một điển hình rất đáng biểu dương: Nghệ nhân Vũ Đức Thắng (1955 – 2016) sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp đã trở về quê Bát Tràng lập nghiệp, nổi tiếng về nhiều mẫu mã mới, các hoa văn đắp nổi miêu tả phong cảnh đất nước hoặc những chiến công chống ngoại xâm hiển hách của dân tộc.                 
          
Có nhiều nghệ nhân trẻ được truyền nghề ngay tại làng nghề. Tại đây, họ được các nghệ nhân lớp trước là cha, ông tận tình trực tiếp dạy dỗ chu đáo; Tuy cũng vẫn là “cha truyền, con nối”, nhưng cách dạy có bài bản hơn. Lớp trẻ tâm huyết với nghề cũng đã chăm chỉ học tập, với ý chí nối gót cha, ông. Chúng ta đặc biệt ghi công các nghệ nhân lớp trước đã chăm lo đào tạo nghệ nhân trẻ. Có những thế hệ cha truyền con nối thành đạt như các cặp cha - con nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh - Nguyết Viết Tùng (Làng nghề Gỗ Mỹ nghệ Sơn Đồng), nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - Nguyễn Đăng Tâm (Làng nghề Tranh Đông Hồ), nghệ nhân Nguyễn Văn Trung - Nguyễn Văn Sơn (Làng nghề Mây tre đan Phú Vinh), v.v... 

Nhiều nghệ nhân trẻ đã thể hiện rõ sức mạnh đổi mới, sáng tạo. Với đặc tính của thanh niên là ham học hỏi, tiếp thu nhanh kiến thức mới, lại gặp được môi trường thuận lợi, họ có điều kiện để làm ra những sản phẩm có giá trị cao về mỹ thuật, kỹ thuật và kinh tế, thể hiện rõ sức sáng tạo của nghề thủ công là không giới hạn. Trong Chương trình OCOP đang triển khai, lớp nghệ nhân trẻ này đã có những những sản phẩm khác biệt, do nhạy bén nắm bắt kịp thời xu hướng hiện đại “tiêu dùng xanh” của thị trường, đưa ra những “sản phẩm xanh” thân thiện với môi trường. Một số nghệ nhân trẻ đã khởi nghiệp, lập  cơ sở sản xuất, kinh doanh riêng, tạo thương hiệu, có sản phẩm xuất khẩu.

Nghệ nhân trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ truyền nghề trong cơ sở làng nghề. Họ đã rất nhiệt tình, có nhiều cách làm sáng tạo để tiếp tục bồi dưỡng lớp thợ giỏi kế tiếp trong cơ sở, như cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tại chỗ hoặc tổ chức những buổi học ngắn ngày, truyền đạt những kiến thức mới. Cách truyền nghề như vậy rất thiết thực, gắn lý luận với thực hành, lớp sau nhanh chóng trưởng thành, thợ cả, thợ giỏi trở thành nghệ nhân. Cũng có một số nghệ nhân trẻ được cơ sở cùng nghề mời đến giảng bài, phổ biến kinh nghiệm, họ đã thực hiện chu đáo, coi đây là vinh dự và nghĩa vụ.

Trong một số cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề, nghệ nhân trẻ đã giữ vai trò chủ chốt. Hiện nay, ở một số cơ sở, tuy chủ cơ sở vẫn đứng tên, song trên thực tế, công việc quản trị cơ sở đã giao cho một nghệ nhân trẻ đảm nhiệm. Như vậy, nghệ nhân trẻ được tín nhiệm, môi trường hoạt động của họ được rộng mở, họ thỏa sức đưa những ý tưởng mới, cách làm mới như “Công nghệ xanh”, “Công nghệ số” vào cuộc sống. Trong các cơ sở này, rất đáng hoan nghênh là chủ cơ sở cũ tín nhiệm, giao toàn quyền cho nghệ nhân trẻ, họ chỉ đóng vai “cố vấn”, còn nghệ nhân trẻ thì tận tâm với cơ sở, tâm huyết với nghề, do đó, cơ sở có nhiều triển vọng phát triển bền vững. Trong thực tế, đã có những cơ sở thành công trong “chuyển giao thế hệ” này, nêu lên nhiều kinh nghiệm hay rất nên phổ biến.

TẠO KHÔNG GIAN CHO NGHỆ NHÂN TRẺ PHÁT HUY

Tin tưởng ở lớp trẻ là truyền thống quý báu của dân tộc ta và của làng nghè chúng ta, vì lớp trẻ là lớp người tiếp nối sự nghiệp, là hy vọng và tương lai của dân tộc, với niềm tin “tre già, măng mọc”; trách nhiệm của lớp người đi trước trong làng nghề là tạo môi trường thuận lợi để lớp nghệ nhân trẻ đổi mới, sáng tạo, sớm trưởng thành. Do đó, cần đổi mới mạnh mẽ, có những đột phá từ tư duy, nhận thức, hệ thống thể chế, chính sách của các bộ, ban, ngành cho đến việc tổ chức thực hiện ở các tổ chức xã hội (hội, hiệp hội) và từng địa phương. Dưới đây, xin kiến nghị một số giải pháp cụ thể, từ thực tiễn các làng nghề.


Tạo không gian sáng tạo cho nghệ nhân trẻ. Trong mỗi cơ sở, đó là (i) Tổ chức nghiên cứu những xu hướng mới của thị trường trong điều kiện mới, nhất là do tác động của đại dịch Covid-19, thị trường đang có những yêu cầu mới, cả về chất lượng, mẫu mã, bao bì cũng như phương thức mua bán (như yêu cầu sản phẩm xanh thân thiện với môi trường, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giao dịch trên sàn thương mại điện tử); Điều này lại càng cần thiết khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà nước ta tham gia; (ii) Giúp cho nghệ nhân trẻ tiếp cận kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là Công nghiệp 4.0 để họ nắm bắt, nghiên cứu và vận dụng, giúp họ tìm dự án, nhà tài trợ để triển khai; Khuyến khích họ học ngoại ngữ; Đồng thời có cơ chế khen thưởng, khuyến khích nghệ nhân trẻ suy nghĩ, tạo ra những sản phẩm mới; (iii) Tạo các điều kiện cụ thể giúp nghệ nhân trẻ khởi nghiệp, lập cơ sở mới, như vốn liếng, mặt bằng, thuế, v.v... khuyến khích họ cùng chung sức xây dựng “làng nghề xanh”, “làng nghề số”; (iv) Tổ chức các cuộc thi riêng cho nghệ nhân trẻ, để họ có điều kiện cọ sát, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; v.v...

Giúp cho nghệ nhân trẻ đưa sản phẩm ra công chúng. Thực tế cho thấy, đây là một loại hoạt động rất cần thiết vừa nhằm động viên nghệ nhân trẻ hăng hái đổi mới, sáng tạo, lại vừa tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho họ. Có một số việc cần được xúc tiến, như: (i) Giúp nghệ nhân trẻ đưa sản phẩm tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ, có tài trợ về gian hàng và chi phí; Có thể tổ chức triển lãm riêng của nghệ nhân trẻ; (ii) Giúp họ giới thiệu và bán sản phẩm, nhất là những “độc bản”, ký tên nghệ nhân trên sản phẩm; (iii) Giúp họ tổ chức thao diễn trong các hội chợ, triển lãm để giới thiệu tinh hoa của nghề; (iv) Nghệ nhân trẻ có thể hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm các thao tác, để họ tự mình tạo ra một sản phẩm; (v) Nghệ nhân trẻ có thể làm hướng dẫn viên du lịch, nhất là những người biết ngoại ngữ, giới thiệu được với du khách giá trị văn hóa của sản phẩm, sức sáng tạo của nghề thủ công, lịch sử của làng nghề.    

Bình chọn, tôn vinh nghệ nhân trẻ. Cho đến nay, cũng đã có những cuộc bình chọn, tôn vinh các nghệ nhân làng nghề, song số nghệ nhân trẻ đạt danh hiệu chưa nhiều, có những tài năng không được tôn vinh đúng thời điểm. Có nguyên nhân từ tiêu chuẩn, tổ chức và cung cách xét duyệt còn chưa thật sát hợp; Lại có những trường hợp đạt được danh hiệu do cảm tình cá nhân, cục bộ địa phương hoặc theo cơ chế mua- bán, v.v... Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta thường tôn vinh nghệ nhân theo lối “ăn sẵn”, vì khá nhiều trường hợp trở thành nghệ nhân là do công sức cố gắng của bản thân họ, nhiều cơ sở chưa có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng nghệ nhân một cách bài bản. Cũng có những trường hợp, sau các cuộc tôn vinh rầm rộ, hình thức, thì nghệ nhân (trong đó có nghệ nhân trẻ tuổi) không được tạo không gian thuận lợi để tiếp tục sáng tạo. Vì vậy, rất cần quan tâm thực hiện những biện pháp tôn vinh khách quan, đúng thực chất, đồng thời quan tâm những biện pháp sau khi tôn vinh, để nghệ nhân trẻ có điều kiện tiếp tục nâng cao trình độ và phát huy.

Trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề. Thực tế cho thấy đây là một vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, nâng đỡ, đào tạo, bồi dưỡng những người có triển vọng, hình thành lớp nghệ nhân trẻ ngay từ mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề. Lâu nay, trong các cơ sở này, nhất là trong hộ kinh doanh, chủ cơ sở thường được gọi bằng “chú”, “bác” theo phong tục, tập quán kính trọng người hơn tuổi của dân ta. Thế nhưng, vẫn có những chủ hộ ỷ vào tuổi tác, quá tự mãn về những thành tựu của cơ sở, về công lao của mình, mà không chịu học hỏi, nghe ý kiến đóng góp chân thành, tâm huyết của lớp trẻ có khi khác với ý kiến của họ. Vì vậy, để thúc đẩy việc đào tạo nghệ nhân trẻ, việc đầu tiên chính là nâng cao nhận thức của chủ cơ sở về ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc này, từ đó nâng cao trách nhiệm của họ trong việc phát hiện người có triển vọng, đề ra chương trình, kế hoạch bài bản, hình thành môi trường thuận lợi cho nghệ nhân trẻ trưởng thành, cống hiến. Có thể coi việc phát hiện, đào tạo được lớp nghệ nhân trẻ là một tiêu chí hàng đầu của người chủ cơ sở làng nghề biết nhìn xa, có trách nhiệm với tương lai bền vững của làng nghề.

Cuối cùng, xin đề cập nhiệm vụ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Qua trao đổi với một số cơ sở và làng nghề, có một số kiến nghị như sau:

- Hiệp hội nên chủ động định hướng và hướng dẫn cho các cơ sở làng nghề về những biện pháp đào tạo nghệ nhân trẻ; Thúc đẩy các trung tâm trực thuộc Hiệp hội triển khai hoạt động tư vấn, dịch vụ cho cơ sở, nhất là trong công tác đào tạo; Tổ chức các cuộc thi riêng để bình chọn, tôn vinh nghệ nhân trẻ; Đúc kết, phổ biến kinh nghiệm của những đơn vị thành công trong việc đào tạo nghệ nhân trẻ.
Hiệp hội nên hướng dẫn các tổ chức trực thuộc ở địa phương (các hội làng nghề địa phương, các văn phòng đại diện) đứng ra bàn với các cơ quan, tổ chức xã hội địa phương để họ nhận rõ lợi ích trực tiếp của địa phương, từ đó cùng xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, các quỹ, v.v... cho việc đào tạo nghệ nhân trẻ của địa phương.    

Mùa Xuân năm nay, đất nước ta đang vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội theo quan điểm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, song để có thế hệ nghệ nhân tiếp nối, phát huy tinh hoa văn hóa làng nghề, không thể không quan tâm đào tạo lớp nghệ nhân trẻ và đặt trọn niềm tin vào họ trong sự nghiệp phát triển bền vững làng nghề. Hy vọng rằng năm Nhâm Dần – năm Hổ sẽ tiếp thêm năng lượng để lớp nghệ nhân trẻ vươn lên dũng mãnh như hổ.

Theo Làng nghề Việt