Đề án nhóm khuyến công quốc gia năm 2023 về “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung” đã giúp 2 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đổi mới sản xuất, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Trong nhiều năm nay, tỉnh Đắk Nông đã không ngừng tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Quá trình sản xuất gạch không nung không sinh ra chất gây ô nhiễm, không tạo ra chất phế thải hoặc chất thải độc hại. Chính vì thế việc hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung nhằm tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm ô nhiễm môi trường là hết sức cần thiết.

Từ thực tế trên, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đăk Nông đã triển khai đề án nhóm khuyến công quốc gia năm 2023 về “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung” cho 02 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gồm: Công ty TNHH MTV vật liệu xây dựng Đức Trịnh; Công ty TNHH một thành viên Ngọc Long Đắk Nông, có ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng - sản xuất gạch không nung với tổng kinh phí thực hiện đề án là 1.719,5 triệu đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 600 triệu đồng; Kinh phí cơ sở công nghiệp nông thôn là 1.119,5 triệu đồng.

Là một trong hai cơ sở nhận được 300 triệu hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023, Công ty TNHH MTV vật liệu xây dựng Đức Trịnh tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư 01 dây chuyền ép gạch không nung ép thủy lực tự động hoàn toàn (model: HHC09; Năng suất: 20.000 viên/8 giờ; xuất xứ: Việt Nam; mới 100%), với Tổng kinh phí đầu tư 1.093,5 triệu đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng; kinh phí cơ sở công nghiệp nông thôn 793,5 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Trịnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV vật liệu xây dựng Đức Trịnh so sánh: Trước đây máy móc sử dụng cho năng suất thấp 8000 viên/8 giờ, mất nhiều thời gian, sử dụng nhiều công lao động cho quá trình sản xuất, không có dây chuyền đưa gạch ra sau khi ép gạch nên tốn nhân công đưa gạch ra, sản phẩm có chất lượng chưa đồng đều, chi phí sản xuất nhiều do công suất thấp tốn nhiều chi phí điện năng, thời gian, lao động.

Đến nay, đầu tư máy móc tiên tiến vào sản xuất cho năng suất cao 20.000 viên/8 giờ, tiết kiệm thời gian (tiết kiệm được khoảng 1/2 thời gian để tạo ra sản phẩm so với máy móc đang sử dụng), sản lượng nhanh đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đồng thời, giảm sức lao động, dây chuyền tự ra gạch nên giảm được nhân công (giảm 2/3 nhân công so với máy móc đang sử dụng). Sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, việc ứng dụng máy công suất lớn tiết kiệm thời gian, lao động, điện năng.

Tương tự, đối với Công ty TNHH một thành viên Ngọc Long Đắk Nông tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư mới 100% 01 dây chuyền ép gạch không nung (model: HHC08; Năng suất: 20.000 viên/ngày; xuất xứ: Việt Nam) với tổng kinh phí đầu tư 626 triệu đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng; kinh phí cơ sở công nghiệp nông thôn 326 triệu đồng.

Dây chuyền ép gạch không nung đi vào hoạt đồng cho năng suất 20.000 viên/ ngày, tiết kiệm thời gian (tiết kiệm được khoảng 1/2 thời gian để tạo ra sản phẩm so với máy móc đang sử dụng), sản lượng nhanh đáp ứng nhu cầu sản xuất. Sức lao động giảm, dây chuyền tự ra gạch nên giảm được nhân công (giảm 1/2 nhân công so với máy móc đang sử dụng). Sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều. Từ thực tế đó, ứng dụng máy công suất lớn tiết kiệm thời gian, lao động, điện năng, sản xuất ra sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường.

Chia sẻ về hiệu quả của đề án, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ngọc Long Đắk Nông Đoàn Ngọc Long nói: Nhờ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ, Công ty đã đổi mới công nghệ mới, thay thế lao động thủ công bằng máy móc thiết bị tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, việc đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến vào trong sản xuất gạch không nung đã giúp sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất ra sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông chia sẻ: Việc triển khai thực hiện đề án đã góp phần khuyến khích, hỗ trợ sản xuất tại các cơ sở sản xuất gạch không nung nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Đồng thời, từng bước loại bỏ gạch thủ công sang sản xuất gạch không nung theo công nghệ tiên tiến, tiêu hao ít nguyên, nhiên liệu và thân thiện với môi trường.

Năm 2023, kế hoạch khuyến công quốc gia giao cho tỉnh Đắk Nông với tổng kinh phí thực hiện là 6.698,6 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 3.440 triệu đồng, kinh phí huy động từ cơ sở công nghiệp nông thôn là 3.258,6 triệu đồng, để thực hiện 04 đề án gồm: 01 đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản cho 04 cơ sở; 01 đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung cho 02 cơ sở; 01 đề án tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XIII, năm 2023 tại tỉnh Đắk Nông; 01 đề án tổ chức Hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 tại Đắk Nông.

 

Nguồn: Tạp chí Công Thương

ST: PTKD