Từ “lộc trời cho”, người dân sống gần 2 mỏ đá Hồ Mùn và Trường Bản đã hình thành nên làng nghề đá chẻ Hòa Sơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) khoảng 15 năm trở lại đây. Làng nghề hình thành tự phát ở hai bên tuyến đường ĐH 2 (đoạn qua các thôn: Xuân Phú, Phú Thượng, Phú Hạ…) với hơn 80 hộ sản xuất và hàng trăm máy cưa đá cùng gần 1.000 lao động từ các nơi. Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm do bụi đá, nước bột đá và đá vụn đổ bừa bãi khiến người dân địa phương bức xúc.
Mới đây, TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án Phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn với tổng diện tích đất quy hoạch là 119.509 m2, trong đó, đất bố trí sản xuất đá chẻ là 41.769m2 (tương đương 202 lô). Dự án Phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn được thực hiện nhằm quy hoạch, bố trí và sắp xếp lại Làng đá chẻ; phát triển nghề đá chẻ trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đưa các hộ sản xuất và hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng dự án đường ĐH2 vào hoạt động sản xuất đá chẻ tập trung tại khu vực quy hoạch; góp phần giải quyết việc làm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; tiến đến xa hơn là thành lập Cụm công nghiệp Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.
Ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, đến nay toàn xã Hòa Sơn có 88 cơ sở sản xuất, hộ làm nghề, với khoảng hơn 500 lao động. Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn ra đời hoàn toàn tự phát, cũng vì vậy, quy mô hoạt động sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Để trở thành một làng nghề đá chẻ bài bản, có sức cạnh tranh đứng vững trong hội nhập và mục tiêu cao hơn nữa là trở thành cụm công nghiệp Làng nghề đá chẻ còn rất nhiều khó khăn.
Theo ông Phương, TP. Đà Nẵng đã nhiều lần có kế hoạch mở rộng làng nghề đá chẻ cũng như quy hoạch chung các hộ làm nghề tập trung nhưng thực tế công tác này còn rất nhiều vướng mắc.
Hai vướng mắc lớn nhất đó là công tác giải phóng mặt bằng và xử lý môi trường. “Hiện quy hoạch mở rộng làng nghề đá chẻ đang tạm dừng, vì triển khai tiếp sẽ vướng về phạm vi chật, hẹp, rồi công tác giải phóng mặt bằng rất lớn. Bên cạnh đó là vấn đề là sao khi hình thành Làng nghề rồi phải đảm bảo môi trường”, ông Phương nói.
Từ nhiều năm nay, việc sản xuất tự phát nằm rải rác, công đoạn cắt xẻ, phá đá cũng gây ô nhiễm môi trường, gây nhiều bức xúc cho người dân sinh sống dọc tuyến ĐH2. Nếu hình thành khu vực làng nghề tập trung thì phải có khu xử lý nước thải tập trung, phải có hệ thống đấu nối nước thải vào khu xử lý nước thải. Nhưng điều này là vô cùng khó.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện điều kiện sản xuất của các hộ sản xuất đá chẻ mới dừng ở mức thô sơ, quy mô sản xuất siêu nhỏ, chưa có đơn vị nào có tính đến xử lý mùn đá trong quá trình cắt đá. Vì quy mô siêu nhỏ, tự phát, vốn không có, nên một vấn đề lớn đặt ra cho chính quyền xã Hòa Sơn nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung khi phát triển làng nghề là nhiều hộ không có kinh phí để để đầu tư xây dựng hệ thống đấu nối xử lý nước thải, xây dưng xưởng sản xuất bài bản trong khu làng nghề tập trung.
Ông Phương cho biết chính quyền xã luôn theo dõi sát vấn đề môi trường tại các hộ sản xuất. “Mỗi hộ sản xuất đều ký cam kết đảm bảo môi trường. Đa phần họ hoạt động trong các khu đất vườn của gia đình, với làm nghề nhỏ nên chính quyền xã chỉ theo dõi và nhắc nhở thường xuyên thôi. Còn hình thành làng nghề thì việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ được tính toán kỹ càng hơn”, ông Phương cho hay.
Ngoài 2 vướng mắc trên, để dự án phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn đạt mục tiêu đặt ra còn nhiều “nút thắt” nữa cần phải giải quyết như đảm bảo điều kiện sản xuất cho lao động, vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, đầu ra cho sản phẩm …
“Trong thời gian tới, xã sẽ có đề nghị huyện Hòa Vang và Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở đổi mới sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa làm bước đầu trong quá trình thực hiện có hiệu quả đề án Phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” – ông Phương cho hay.
Lương Tuấn (st) Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn