UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP đến năm 2030. Trong đó công bố định hướng các lĩnh vực tập trung thu hút đầu tư vào 4 CCN ưu tiên, gồm CCN Cẩm Lệ, CCN Hòa Nhơn, CCN Hòa Hiệp Bắc và CCN Hòa Khánh Nam

Ngày 1/3, Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh vừa ký Quyết định 604/QĐ-UBND (ngày 23/2/2021) phê duyệt Đề án phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP đến năm 2030 phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung TP và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045.

 Sau nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật và nhu cầu thị trường, Công ty CP cơ khí Hà Giang Phước Tường vừa chế tạo thành công “Máy lốc thép tấm 4 trục dày 80mm dài 3000mm” và được UBND TP Đà Nẵng trao kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ năm 2021.
Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho hay, mục tiêu chung của Đề án là hình thành hệ thống các CCN, CCN làng nghề hợp lý trên địa bàn; đảm bảo một phần quan trọng nhu cầu đất cho các doanh nghiệp công nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ, siêu nhỏ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và phát triển KT-XH của TP.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, TP Đà Nẵng sẽ phát triển thêm 4 - 5 CCN mới nhằm đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu đất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, đặc biệt là các cơ sở nằm trong khu dân cư cần phải di dời và bố trí tập trung để ổn định và phát triển sản xuất, khắc phục các vấn đề về ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; tạo sự liên kết phát triển theo ngành nghề trong các CCN để hướng tới chuyên môn hóa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Hoàn thiện hạ tầng CCN Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước và bố trí, sắp xếp các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ vào khu quy hoạch Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn giai đoạn II, đối với những cơ sở sản xuất đã được bố trí vào khu làng nghề trong giai đoạn I gặp khó khăn về diện tích phân lô, nghiên cứu đề xuất phương án bố trí lại hoặc sáp nhập theo các tiêu chuẩn (mức đóng thuế, quy mô sản xuất,...).
Đầu tư xây dựng CCN Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn để bố trí tập trung các cơ sở làm nghề đá chẻ tại Hòa Vang nhằm quản lý tốt các vấn đề về ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời điều chỉnh đưa CCN Thanh Vinh mở rộng ra khỏi quy hoạch các CCN của Đà Nẵng để bố trí quỹ đất cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật khác nhằm phát triển KT-XH của TP.
Các CCN phát triển mới trong giai đoạn này phải đảm bảo tỷ lệ nước thải, khí thải công nghiệp được thu gom và xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý đúng quy định đạt 100%.
Giai đoạn 2026 – 2030 tập trung thu hút đầu tư vào các CCN đã xây dựng trong giai đoạn trước với tỷ lệ lấp đầy đến năm 2030 đạt 100%. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài CCN, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các CCN. Đồng thời tùy theo tình hình thực tế và nhu cầu mặt bằng của doanh nghiệp có thể nghiên cứu để bổ sung mới hoặc mở rộng các CCN, CCN làng nghề cho phù hợp.
4 cụm công nghiệp ưu tiên
Đáng chú ý, TP Đà Nẵng định hướng từ nay đến năm 2030 tập trung phát triển 4 CCN ưu tiên. Gồm CCN Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) tổng diện tích quy hoạch 290.928m2; CCN Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) tổng diện tích quy hoạch 247.522m2; CCN Hòa Hiệp Bắc (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) tổng diện tích quy hoạch 144.800m2 và CCN Hòa Khánh Nam (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) tổng diện tích quy hoạch 132.924m2.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, định hướng thu hút đầu tư vào 4 CCN ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống; sản xuất sản phẩm từ kim loại; gia công cơ khí (không có xi mạ, tráng kẽm hoặc đúc); sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tinh; sản xuất đồ điện dân dụng; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện; sản xuất trang phục (trừ trang phục từ da lông thú); sản xuất hàng dệt sẵn (trừ trang phục); sản xuất giày dép.
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo danh mục sản phẩm được thu hút đầu tư theo chính sách của TP Đà Nẵng; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất đồ chơi; sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre nứa, rơm rạ và vật liệu tết bện; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất gạch (trừ gạch đất sét nung), gốm sứ, ngói lợp; in ấn và các dịch vụ liên quan đến in; các ngành sản xuất sạch, thân thiện với môi trường khác; các doanh nghiệp khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo thân thiện với môi trường.
“Theo Quyết định 604/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng, các sở, ngành và địa phương hữu quan sẽ căn cứ vào điều kiện quy mô diện tích, vị trí, đặc điểm và mục tiêu phát triển của từng cụm công nghiệp để xem xét lựa chọn cụ thể các lĩnh vực thu hút đầu tư vào cụm trên cơ sở định hướng chung của TP!” – bà Lê Thị Kim Phương cho biết.
Về việc huy động vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN và CCN làng nghề, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, chính quyền TP sẽ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung TP Đà Nẵng với tầm nhìn dài hạn (30 - 50 năm), làm cơ sở xác định quỹ đất cho phát triển công nghiệp TP trước mắt và lâu dài, trong đó có các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là các đơn vị có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm về xây dựng, quản lý tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp mới trên địa bàn. Đồng thời gtranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, các tổ chức quốc tế để hỗ trợ quy hoạch chi tiết và đầu tư kết cấu hạ tầng các CCN, CCN làng nghề trên địa bàn TP.

 

Theo Doanh nghiệp Việt Nam