Ngày 31/10, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại TP. Đà Nẵng tổ chức trình diễn mô hình kỹ thuật sản xuất tấm sóng tôn nhựa PVC - ASA và bàn giao máy móc thiết bị cho các đơn vị được thụ hưởng chính sách của Chương trình Khuyến công năm 2019.  

Trong đợt bàn giao này, Trung tâm Khuyến công và XTTM Đà Nẵng thực hiện bàn giao máy móc, thiết bị cho 5 doanh nghiệp tại huyện Hòa Vang được thụ hưởng hỗ trợ của Chương trình Khuyến công gồm Công ty TNHH MTV Sản xuất & Thương mại Phát Tiến Hưng với dự án đầu tư, lắp đặt dây chuyền sản xuất tấm sóng tôn nhựa PVC – ASA; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vietstart với dự án hỗ trợ đầu tư, lắp đặt Máy cưa xử gỗ tròn nhiều lưỡi; Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Dana Plywood với dự án hỗ trợ đầu tư, lắp đặt Máy ép nguội; Cơ sở Bình An với dự án hỗ trợ đầu tư, lắp đặt máy CNC 5 trục; Cơ sở sản xuất và kinh doanh nhựa Bình Minh với dự án hỗ trợ đầu tư, lắp đặt máy màn phủ PVC.

Tổng kinh phí đầu tư, lắp đặt các thiết bị máy móc của 5 dự án là gần 7,15 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 1,33 tỷ đồng và doanh nghiệp đầu tư gần 5,83 tỷ đồng.
Đơn vị được thụ hưởng nhiều nhất là Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng với tổng số tiền đầu tư cho thiết bị là gần 5,23 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ là 500 triệu đồng. Đây cũng là mức hỗ trợ cao nhất từ trước đến nay trong chương trình khuyến công cho các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng.

Ông Đặng Nam Hưng – Giám đốc Công ty Phát Tiến Hưng cho biết, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của ngành Công Thương tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, là cơ sở để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. Năm 2019, nhận thấy thị trường có chuyển biến tích cực và tranh thủ hỗ trợ từ nguồn khuyến công, Công ty Phát Tiến Hưng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống sản xuất Tôn nhựa PVC – ASA với tổng mức đầu tư gần 5,23 tỷ đồng. Trong đó, chương trình khuyến công hỗ trợ 500 triệu đồng, tại công đoạn dây chuyền sản xuất tôn nhựa PVC – ASA. “Những hỗ trợ thiết thực của chương trình khuyến công là động lực để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại các huyện như Hòa Vang vươn lên, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân”, ông Hưng nói, đồng thời đề xuất mở rộng phạm vi đối tượng được hỗ trợ để thêm nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách thiết thực này. “Tôi kêu gọi các doanh nghiệp tiếp cận, tranh thủ sự giúp sức từ các chương trình khuyến công để đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm”.

Phát biểu tại buổi bàn giao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành nhấn mạnh, trong thời gian qua Sở Công Thương đã có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. “Dù số vốn hỗ trợ chưa phải thực sự lớn, nhưng với đặc thù, điều kiện của doanh nghiệp huyện Hòa Vang thì tác động của các chương trình khuyến công đối với doanh nghiệp là rất lớn, rất quý báu”, ông Hành nói và đề nghị các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp huyện Hòa Vang cần chủ động tìm hiểu các chương trình, chính sách hỗ trợ của ngành Công Thương cho doanh nghiệp năm 2020, chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể đủ điều kiện nhận được các hỗ trợ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, huyện Hòa Vang được thụ hưởng nhiều hỗ trợ từ các chương trình của khuyến công thông qua hỗ trợ máy móc, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất. Bà Mai đề nghị và mong muốn các đơn vị được thụ hưởng hỗ trợ sẽ khai thác được tối đa công suất máy móc để tăng năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh, giảm sức lao động thủ công. Bên cạnh hỗ trợ máy móc sản xuất, Sở Công Thương cũng đồng thời hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đối tác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia các chương trình kết nối cung cầu; tuyên truyền sâu hơn về các chương trình, chính sách khuyến công để có thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình.
Ông Lê Thanh Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng chia sẻ, các doanh nghiệp mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng đã hết sức nỗ lực để mạnh dạn đầu tư máy móc, đầu tư công nghệ mới cho sản xuất. “Sở Công Thương và Trung tâm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình xây dựng và phát triển. Có những doanh nghiệp chúng tôi đã đồng hành, đi cùng được 10 năm nay từ một doanh nghiệp siêu nhỏ, một hộ kinh doanh đã trở thành một thương hiệu có tiếng vang, ví dụ như bánh tráng Đại Cường, đơn vị này đã xuất khẩu được sản phẩm sang nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan…”, ông Hạ nói.

Tại buổi bàn giao máy móc, công ty Phát Tiến Hưng đã trình diễn mô hình trình diễn sản xuất nhựa PVC – ASA. Ưu điểm của tôn nhựa PVC – ASA là nhẹ, độ cứng cao, chống nước, chống mòn do ô xy hóa, chịu nhiệt tốt, chống ẩm, thi công đơn giản hoàn toàn cách điện, bảo vệ môi trường, sản phẩm có thể tái chế…. Đây là đơn vị đầu tiên của khu vực miền Trung – Tây Nguyên đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm cao cấp này.


Theo congthuong.vn