Công tác triển khai theo kế hoạch
Tính tới thời điểm hiện tại, Ban Giám khảo đã được Cục CTĐP (cơ quan thường trực Hội đồng bình chọn) bàn giao hơn 400 hồ sơ sản phẩm đủ điều kiện tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 để thực hiện chấm điểm bình chọn. Hồ sơ đăng ký bình chọn được phân theo nhóm sản phẩm, có tỷ lệ cụ thể như sau: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chiếm 16,02% tổng hồ sơ đăng ký; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chiếm 68,19% tổng hồ sơ đăng ký; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, chiếm 8,24% tổng hồ sơ đăng ký; nhóm các sản phẩm khác, chiếm 7,55% tổng hồ sơ đăng ký.
Sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 là những sản phẩm do các địa phương lựa chọn trong số các sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2022. Theo đó, hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn cấp quốc gia đảm bảo đầy đủ các thành phần hồ sơ theo quy định; các thông tin liên quan đến sản xuất sản phẩm cũng như thông tin về hoạt động của cơ sở CNNT tại hồ sơ đăng ký bình chọn có tính chất kế thừa, liên thông. Đây là điều kiện thuận lợi để Ban Giám khảo bình chọn cấp quốc gia năm 2023 thực hiện công tác chấm điểm bình chọn.
Công tác chấm điểm được tuân thủ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28/8/2014 của Bộ Công Thương về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và Thông tư số 14/2018/TT-BCT ngày 28/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2014/TT-BCT.
Với mục đích chọn các sản phẩm CNNT thực sự tiêu biểu nổi trội, đáp ứng cao nhất các tiêu chí lựa chọn theo quy định để tổ chức tôn vinh và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Vì vậy, công tác chấm điểm bình chọn của Ban giám khảo được tập trung, chú trọng xem xét các yếu tố liên quan đến chất lượng sản phẩm; các quy định, điều kiện đối với việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Đặc biệt, Ban Giám khảo chú trọng quan tâm đến các yếu tố về điều kiện sản xuất sản phẩm; các chứng chỉ, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận Iso hay HACCP; các yếu tố liên quan đến quy định đến sản xuất, phân phối sản phẩm ra thị trường,…
Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch
Công tác bình chọn đang được Cục CTĐP khẩn trương thực hiện, tuy nhiên hiện nay do điều kiện khách quan nên một số nhiệm vụ cần thiết để đảm bảo công tác bình chọn diễn ra theo đúng kế hoạch chưa được thực hiện. Do vậy, Cục CTĐP đang gấp rút lập kế hoạch Tổ chức Đoàn công tác đi thực tế tại các cơ sở CNNT có sản phẩm đăng ký bình chọn nhằm mục đích để các thành viên của Hội đồng và Ban Giám khảo được nghe giới thiệu và trực tiếp quan sát, tìm hiểu thêm thông tin việc sản xuất sản phẩm đăng ký bình chọn; xem xét, đối chiếu các thông tin cung cấp tại hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn với thông tin thực tế tại cơ sở. Thông tin kết quả từ công tác đi thực tế sản xuất tại các cơ sở CNNT kết hợp với thông tin có tại hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn giúp Ban giám khảo củng cố thêm thông tin, có cơ sở thống nhất việc đánh giá, chấm điểm các sản phẩm tham gia bình chọn.
Sau khi đi thực tế sản xuất tại các cơ sở CNNT, Ban giám khảo tổ chức họp tổng hợp kết quả đánh giá của đoàn công tác tại các cơ cở CNNT; rà soát, tổng hợp danh kết quả chấm điểm bình chọn báo cáo, trình Hội đồng bình chọn.
Về việc tổ chức họp Hội đồng bình chọn lần 2, theo Cục CTĐP, nội dung chủ yếu để Hội đồng bình chọn nghe báo cáo kết quả tổng hợp thông tin từ công tác đi thực tế sản xuất tại các cơ sở CNNT và tổng hợp danh sách kết quả chấm điểm bình chọn của Ban giám khảo; Hội đồng xem xét, thống nhất lựa chọn sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện để đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét phê duyệt kết quả bình chọn và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.
TQL-TTCN