Bắc Quang là 1 trong 3 địa phương của tỉnh được thiên nhiêu ưu đãi khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để tạo nên thương hiệu cam Sành Hà Giang nức tiếng trong cả nước bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Qua công tác xúc tiến, quảng bá của các cấp, ngành đã góp phần đưa sản phẩm cam Sành Hà Giang vào tiêu thụ tại Siêu thị Vinmark, Big C (Hà Nội), mở rộng thị trường vào phía Nam và các điểm bán hàng ổn định tại chợ đầu mối khu vực các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, sản phẩm mới dừng ở việc tiêu thụ quả tươi. Trong khi đó, cam Sành vào vụ chín với số lượng lớn, thời gian bảo quản tự nhiên có hạn, khó có thể tiêu thụ tức thì trong thời gian ngắn. Hơn nữa, do sản xuất cam thu lợi nhuận cao, không ít hộ dân đã tự ý mở rộng diện tích trồng cam, khiến sản lượng tăng cao dẫn đến thực trạng cung vượt cầu, được mùa – mất giá, thậm chí thiệt đơn, thiệt kép khi cam rụng đồng loạt với số lượng lớn nếu gặp thời tiết bất thuận…
Là người con sinh ra tại quê hương Khuổi Niếng, anh Nguyễn Việt Cường (sinh năm 1983) đã gắn bó đặc biệt với cây cam Sành. Thấu hiểu tất cả những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ cam của người dân quê mình, hun đúc trong anh quyết tâm tìm hướng đi mới. Tháng 4.2018, anh Cường và những người bạn đã cùng nhau thành lập Công ty Cổ phần Cam Ta ngay tại thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành – vùng trọng điểm trồng cam của huyện Bắc Quang, do anh làm chủ doanh nghiệp. Nhà máy chế biến cam của anh được thiết kế với quy mô sản xuất tiểu thủ công nghiệp (công suất 2 tấn cam/ngày), đảm nhiệm “sứ mệnh” thu mua và chế biến cam Sành Hà Giang…
Giám đốc Công ty Cổ phần Cam Ta – Nguyễn Việt Cường cho biết: Sau khi Công ty đi vào hoạt động ổn định, tháng 2.2019, chúng tôi đã phối hợp với nhóm chuyên gia hàng đầu của Hà Lan để nhận chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ cam Sành Hà Giang trên dây chuyền hiện đại, khép kín theo tiêu chuẩn châu Âu. Thay vì sử dụng quả cam tươi theo cách truyền thống thì nay, vỏ cam kết hợp với nước cốt cam để làm nên món mứt cam độc đáo. Hoặc vỏ cam được dùng để chiết xuất tinh dầu cam, sử dụng trong công nghiệp như làm đồ uống, bánh kẹo. Riêng múi cam ép lấy nước, chế biến thành sản phẩm nước ép nguyên chất, rượu vang hay siro cam. Không những vậy, qua chế biến, bã cam được xử lý để tạo thành phân vi sinh chăm sóc chính cây cam Sành… Hiện nay, Công ty đã ra mắt thị trường một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái… khoảng 20.000 sản phẩm rượu vang, 10.000 sản phẩm mứt, siro và 5.000 sản phẩm tinh dầu từ cam Sành Hà Giang.
Ông Ton Overeem – chuyên gia về sản xuất đồ uống hàng đầu của Hà Lan chia sẻ: Sau một năm chuyển giao công nghệ chế biến cam Sành cho Công ty Cổ phần Cam Ta; tháng 2.2020, tôi và các cộng sự trở lại để đánh giá kết quả chuyển giao công nghệ. Chúng tôi nhận thấy, chính nguồn nguyên liệu tuyệt vời của các bạn đã cho ra những sản phẩm chế biến tuyệt vời với chất lượng thượng hạng. Tôi đã thưởng thức nhiều sản phẩm chế biến từ cam của các quốc gia trên thế giới nhưng thực sự rất ấn tượng với các sản phẩm cam chế biến của Hà Giang. Hiện nay, Công ty của ông Cường cũng đang trong quá trình thử nghiệm sản phẩm mới. Chúng tôi cùng nhau nỗ lực sáng tạo sản phẩm uy tín, chất lượng và tìm kiếm thị trường, kết nối, thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm cam chế biến có mặt tại thị trường quốc tế…
Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn nguyên liệu đầu vào được anh Cường chọn lựa từ chính 11 ha cam Sành do gia đình trực tiếp sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, anh còn thu mua cam cho người dân trong và ngoài xã với sản lượng trên 100 tấn cam/năm để phục vụ chế biến. Không những vậy, Công ty của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng và giúp nhiều lao động thời vụ có thêm thu nhập 250 nghìn đồng/người/ngày. Chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Khuổi Niếng) phấn khởi nói: Trước đây, sản phẩm cam bi mặc dù chất lượng đảm bảo nhưng hình thức không bắt mắt (hàng nhỏ, thải loại) rất khó bán trên thị trường. Nhưng nay, sản phẩm này được Công ty Cổ phần Cam Ta thu mua toàn bộ để chế biến nước cam ép nguyên chất, giúp người trồng cam tiêu thụ tối đa sản phẩm, nâng cao thu nhập. Hơn nữa, có doanh nghiệp địa phương trực tiếp thu mua cam Sành để chế biến sẽ giảm áp lực thu hái, không lo sản phẩm quả tươi khó tiêu thụ khi chín với số lượng lớn…
Mặc dù đã làm chủ công nghệ, sản xuất thành công các sản phẩm cam chế biến nhưng anh Cường vẫn luôn trăn trở: Nếu đầu tư bài bản về dây chuyền sản xuất, chúng tôi cần nguồn vốn lên đến hơn 20 tỷ đồng. Nhưng thiếu vốn, doanh nghiệp mới đầu tư được một phần nhỏ trong số đó... Hơn nữa, do thói quen của người tiêu dùng chỉ sử dụng quả cam tươi nên việc tiếp cận, mở rộng thị trường sản phẩm cam chế biến rất khó khăn. Do vậy, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, giúp chúng tôi có cơ hội đóng góp cho sự phát triển bền vững cây cam Sành Hà Giang.
QH (sưu tầm Theo Báo Hà Giang)