Chung sức đạt mục tiêu kép
Năm 2021, bất chấp tác động của dịch bệnh, ngành Công Thương tại nhiều địa phương đã giữ được tốc độ tăng trưởng. Đơn cử Phú Thọ, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2021 tăng khoảng 8,6% so với năm trước, quy mô sản xuất được giữ vững, ổn định lực lượng lao động. Với Hà Tĩnh, công nghiệp vẫn là động lực phát triển kinh tế khi đóng góp tới 4,46% trong tổng mức (5,02%) tăng trưởng GRDP của tỉnh với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 16,45%, xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7%.
Thành công của các địa phương đã góp phần tạo nên kết quả đáng ghi nhận của cả ngành Công Thương năm vừa qua. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của cả nước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%. Đạt được kết quả này, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các địa phương còn có chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị chức năng thuộc Bộ.
Là đơn vị đầu mối trong triển khai nhiều nhiệm vụ của ngành Công Thương tới các địa phương, năm vừa qua Cục Công Thương địa phương (CTĐP) đã làm tốt vai trò cầu nối với các địa phương, đảm bảo những chính sách, giải pháp chỉ đạo của lãnh đạo Bộ cho các vấn đề phát sinh được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cao.
Với nhiệm vụ triển khai Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG), đại diện Cục CTĐP cho biết, năm vừa qua Cục CTĐP đã phối hợp sát sao cùng các địa phương thực hiện với tổng kinh phí 75,641 tỷ đồng. Chương trình KCQG đã phát huy tốt vai trò vốn mồi, khuyến khích được các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, hiện đại hóa dần công nghệ sản xuất, sản phẩm tạo ra có giá trị lớn hơn và cạnh tranh ngày một tốt trên thị trường. Điều này cũng giúp nhiều doanh nghiệp tại địa phương ổn định sản xuất, kinh doanh dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Trong nhiệm vụ quản lý cụm công nghiệp (CCN), Cục CTĐP đã triển khai nhiều nội dung mang tính dài hạn và trước mắt, được ghi nhận thống nhất từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động. Trong đó, nghiên cứu, thẩm định, có ý kiến đối với 12 địa phương về đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN; có ý kiến đối với phương án phát triển CCN thuộc quy hoạch tỉnh của 8 địa phương… Từ đó tạo thuận lợi cho các địa phương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và tăng tỷ lệ lấp đầy CCN, đồng thời giải quyết bài toán thiếu mặt bằng cho sản xuất công nghiệp tại khu vực nông thôn.
Ngoài ra, mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương cũng được phát triển nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ liên quan từ hệ thống để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 là phép thử mạnh với chính sách phát triển cũng như sự linh hoạt trong điều hành của ngành Công Thương nói chung và ngành Công Thương tại các địa phương nói riêng. Thực tế, qua sự lúng túng ban đầu, ngành Công Thương đã điều chỉnh kịp thời và dung hòa được những bất cập trong công tác phòng, chống dịch và duy trì hoạt động sản xuất, thương mại, từng bước đạt "mục tiêu kép" theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tận dụng cơ hội thị trường, chuyển đổi số trong sản xuất
Năm 2022 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và ngành Công Thương nói riêng. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới thấp hơn năm 2021, sức chống chịu của doanh nghiệp đã giảm. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là điểm tựa cho phục hồi sản xuất, thương mại. Trong đó, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà hồi phục nhanh. Những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực hứa hẹn mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả hơn.
Với những điểm thuận lợi trên, Sở Công Thương các địa phương đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác cơ hội thị trường, chuyển đổi số trong sản xuất. Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay: Năm 2022, thành phố tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định nguồn cung lao động, kết nối lại chuỗi sản xuất, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của thành phố. Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng đề xuất, Bộ Công Thương làm đầu mối triển khai số hóa để các địa phương cùng triển khai phối hợp, có sự kết nối đồng bộ quản lý từ trung ương đến địa phương để triển khai thực hiện.
Thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin đang được các đơn vị trong Bộ Công Thương từng bước áp dụng. Riêng về khuyến công, ông Nguyễn Toàn Thắng- Giám đốc Trung Tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục CTĐP - cho biết, sẽ xây dựng một hệ sinh thái khuyến công. Hệ sinh thái này tạo nên tính đồng bộ từ khâu truyền thông, quản trị đến kết nối các doanh nghiệp liên quan về công nghệ, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
"Việc xây dựng hệ sinh thái trong lĩnh vực khuyến công đòi hỏi mất nhiều thời gian nghiên cứu, tham vấn các tổ chức, chuyên gia, đó là mục tiêu dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công năm 2022 và Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025. Tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện; theo dõi, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện của các đề án, nhiệm vụ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở các địa phương" - ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.
Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, linh hoạt triển khai các giải pháp cho phù hợp với thực tế, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã kịp thời trợ sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, xuất khẩu, góp phần vào thành quả đáng ghi nhận của cả ngành trong năm vừa qua. |
Theo Báo Công Thương