Năm 2023, sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tỉnh Thái Bình tăng 10,55%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 103.750 tỷ đồng, tăng 8,5%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.601 triệu USD, tăng 6% so với năm 2022. Thái Bình thu hút đầu tư với tổng vốn đăng ký của các dự án đạt gần 98.256,6 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thu hút FDI của tỉnh đạt trên 2,9 tỷ USD.

Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều chính sách mở cửa, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp (DN). Tỉnh chú trọng xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết như: Hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực… đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư đã và đang đến đầu tư tại Thái Bình. 

Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Thái Bình đã thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về nông thôn (CNNT), tạo nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh; chuyển đổi và đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho lao động chất lượng cao; hỗ trợ vốn đầu tư ứng dụng khoa học hiện đại tại các DN, cơ sở CNNT sản xuất phục vụ cho các ngành công nghiệp… Nhờ các nguồn kinh phí hỗ trợ đó mà các cơ sở CNNT đã tập trung sản xuất các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ông Ngô Quang Văn – Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Thiên Văn chia sẻ, DN của ông chuyên sản xuất các bộ phận phụ tùng, phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ nên rất cần nguồn vốn để đầu tư thiết bị. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, Công ty đã đầu tư công nghệ, máy móc trên cơ sở hệ thống máy móc cũ để sản xuất vành xe đạp; các sản phẩm vành xe đạp của Công ty Thiên Văn đã được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, sử dụng rộng rãi tại thị trường trong nước, trong đó phần lớn sản phẩm đã được cung cấp cho các nhà máy lắp ráp xe đạp như Công ty Xe đạp Thống Nhất, Life; các DN sản xuất xe đạp nước ngoài tại Việt Nam… Trong đó, sản phẩm của Công ty được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023.

Theo ông Trần Huy Quân – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết: Để phát huy hiệu quả công tác khuyến công, hằng năm trên cơ sở kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch khuyến công, trong đó bám sát mục tiêu, quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công; Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; Chương trình khuyến công giai đoạn và các văn bản pháp luật có liên quan làm cơ sở triển khai chương trình. Ngay khi được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt, Sở Công Thương giao và chỉ đạo Trung tâm Khuyến công Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tổ chức triển khai thực hiện các Đề án, nhiệm vụ khuyến công. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện và sử dụng kinh phí của các đề án, nhiệm vụ khuyến công, đảm bảo phát huy hiệu quả, theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, TTKC đã triển khai, thực hiện hỗ trợ cho các DN, cơ sở CNNT thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Kết quả cho thấy, các DN đã tiếp cận được nguồn vốn, chính sách phù hợp để phát triển sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng và cung cấp một phần nguồn nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp. Nhờ được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, năm 2023 tỉnh Thái Bình có 8 sản phẩm, bộ sản phẩm của 6 đơn vị được Bộ Công Thương trao Giấy chứng nhận theo Quyết định số 3116/QĐ-BCT về việc công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Những năm qua, công tác khuyến công đã tích cực góp phần phân công lại lao động xã hội khu vực nông thôn, đưa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về nông thôn; tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ DN; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng, góp phần tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trong thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư trên địa bàn như: Dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 212 triệu USD; Dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng cho Công ty Pegavision Corporation với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất rượu Soju tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thuỵ với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD;... Nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ giúp tỉnh Thái Bình đứng thứ 5 cả nước về thu hút nguồn vốn FDI.

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2023, năm 2024 ngành Công Thương Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 113.400 – 115.060 tỷ đồng, tăng trưởng từ 9,3 - 10,9%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 76.135 tỷ đồng, tăng 10% và kim ngạch xuất khẩu tăng 6,2% trở lên, kim ngạch nhập khẩu tăng 9,4% trở lên so với năm 2023.

Trên cơ sở mục tiêu đề ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành Công Thương tỉnh Thái Bình thống nhất triển khai 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại, phát triển thị trường trong nước và quốc tế; Tăng cường kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời, tích cực cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.   

Nguồn: Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng