Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, công nghiệp tỉnh Hưng Yên tiếp tục có những khởi sắc mới. Công tác giải phóng mặt bằng được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Các KCN, CCN tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, thu hút nhiều dự án lớn, công nghệ tiên tiến… Đây tiếp tục là hướng phát triển của công nghiệp Hưng Yên trong thời gian tới.

Thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra "xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại", Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 15/6/2021 về “Chương trình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030”. UBND tỉnh đã cụ thể hóa nghị quyết và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai: Kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU; Kế hoạch tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2022; Đề án Cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch về thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Hưng Yên; Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hưng Yên năm 2023…

Đồng thời, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng đồng bằng sông Hồng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho phát triển kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực công nghiệp, TTCN.

 Các công trình lưới điện 110 kV, 220 kV và lưới điện trung hạ thế đã triển khai trong giai đoạn 2021-2022 đóng điện đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chống quá tải cho lưới điện hiện hữu. Thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh nhằm phân bố phát triển công nghiệp hợp lý hơn, khai thác hiệu quả các điều kiện thuận lợi của địa phương cho phát triển công nghiệp, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh.

Tỉnh Hưng Yên đã xây dựng đề án, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung KCN số 6 có diện tích khoảng 308 ha và KCN Tân Á Đại Thành diện tích 200 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 5 KCN trên địa bàn tỉnh, gồm: KCN sạch có diện tích hơn 143 ha; KCN số 3, diện tích hơn 159 ha; KCN số 5, diện tích 192 ha; KCN Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3, diện tích 180,5 ha và KCN Yên Mỹ II mở rộng, diện tích 216 ha. Hiện tại, các chủ đầu tư của các KCN này đang tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định. Dự kiến trong giai đoạn đến năm 2025, các KCN này sẽ đi vào hoạt động.

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương quy hoạch phát triển 17 KCN, có tổng diện tích hơn 4.395 ha; trong đó: có 8 KCN đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư, gồm: KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II, KCN Minh Đức, KCN Yên Mỹ, KCN Yên Mỹ II, KCN Minh Quang, KCN Sạch (giai đoạn từ năm 2021 đến nay có thêm 2 KCN đưa vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư là KCN sạch và KCN Phố Nối A mở rộng, đạt 50% chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết). 9 KCN đang trong quá trình triển khai, chưa đi vào hoạt động, gồm: KCN Kim Động, KCN Tân Dân, KCN Lý Thường Kiệt, KCN số 1, KCN số 3, KCN số 5, KCN số 6, KCN Thổ Hoàng, KCN Tân Á Đại Thành. Dự kiến đến năm 2025, có thêm 6 KCN mới và mở rộng đi vào hoạt động đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết số 07-NQ/TU.

Tỉnh Hưng Yên tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, tỉnh đã thành lập 26 CCN được với tổng diện tích là 1.256,08 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 12.408 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng và chủ đầu tư hạ tầng khu CCN thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; nhất là việc quan tâm chỉ đạo việc thu hồi đất và thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng; đã lựa chọn 2 CCN làm điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng và cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN để tiếp nhận dự án đầu tư vào trong CCN là CCN Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân và CCN Minh Khai. Ngoài ra Sở Công Thương đã chủ động lựa chọn, đề nghị Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 xem xét bổ sung 08 CCN có diện tích lớn (506,78ha) đang bắt đầu thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc đang thực hiện thủ tục để giải phóng mặt bằng sớm giao đất, xây dựng hạ tầng đi vào thu hút nhà đầu tư thứ cấp trong năm 2023, 2024.

Ảnh: Lãnh đạo Sở Công Thương dự lễ khởi công Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân

Sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng các cấp thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TU là động lực quan trọng đưa hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên tiếp tục thời kỳ tăng trưởng cao, cụ thể: năm 2021, IIP đạt 108,82%; năm 2022, IIP đạt 110,4%; 3 tháng đầu năm 2023, IIP đạt 107,01% (Mục tiêu Nghị quyết tăng 9%-10%/năm). Công nghiệp tiếp tục là ngành đóng góp lớn nhất cho giá trị sản xuất, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 6,52% năm 2021; 12,84% năm 2022 và 8,14% trong 3 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, đưa tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà chiếm 63,67% năm 2021 và 63,7% năm 2022 (Mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025, công nghiệp, xây dựng chiếm 66%). Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, năm 2021 đạt hơn 5,4 tỷ USD, tăng 14,82%; năm 2022 đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng trưởng 18,7% so với cùng kì; 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,3 tỷ USD… Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN, TTCN của tỉnh vẫn đóng góp quan trọng trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp thông thoáng, minh bạch nâng cao tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư của tỉnh, giai đoạn 2021-2022 thu hút được 188 dự án mới, trong đó 146 dự án trong nước và 42 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm giai đoạn này là 84.645 tỷ đồng và 807,5 triệu USD, đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 2.122 dự án. Trong đó: 1.615 dự án trong nước, 507 dự án FDI; tổng vốn đăng ký 259.635 tỷ đồng và hơn 6 tỷ USD. Đã tiếp nhận 130 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 4.231 tỷ đồng và 236 triệu USD. Có thêm 35 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 1.470 dự án.

Hưng Yên tiếp tục thực hiện ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, phân phối toàn cầu; tập trung hơn thu hút dự án đầu tư vào các KCN, CCN. Tính đến hết tháng 3/2023, trong các KCN của tỉnh có 516 dự án còn hiệu lực (233 dự án trong nước, 283 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 33.530 tỷ đồng và 5,497 tỷ USD. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê tại các KCN khoảng 1.050ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 49,7%. Các dự án trong các KCN tập trung vào các nhóm ngành nghề, lĩnh vực chủ yếu: Cơ khí, luyện kim; sản xuất máy móc, thiết bị; sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất sản phẩm điện, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dệt may và da giầy, bao bì,... Các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên từ 19 các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất, tiếp theo đó là Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nhà đầu tư khác như: Mỹ, Anh, Ý, Đức, Thụy Sỹ, Canada, Singapore, Hà Lan, Thái Lan,… các dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho khoảng 76.000 lao động; doanh thu của các dự án trong KCN năm 2022 ước đạt  5,5 tỷ USD,  giá trị xuất khẩu khoảng 3,1 tỷ USD, thu ngân sách nội địa năm 2022 khoảng 2.700 tỷ đồng.

Nhìn chung, trong nửa nhiệm kỳ đại hội XIX, thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp đạt kết quả khá, đã có nhiều hơn các dự án công nghiệp công nghệ cao, giá trị sản xuất lớn đi vào hoạt động. Đầu tư phát triển các KCN, CCN đã có những bước phát triển mới, một số KCN đã và đang được mở rộng; tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các KCN, CCN được triển khai quyết liệt nhằm đẩy nhanh hơn tiến độ đầu tư. Một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển mạnh mẽ (dệt may, cơ khí, điện tử,...), nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh tiếp tục khẳng định được vị thế trên thị trường, đã có thêm nhiều sản phẩm tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu...

Để hoàn thành các mục tiêu về lĩnh vực công nghiệp-TTCN của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, tỉnh Hưng Yên tiếp tục hiện các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm: Tiếp tục tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp ưu tiên như: cơ khí chế tạo, ưu tiên phát triển các sản phẩm: ô tô, gia công kim loại, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế; điện, điện tử tin học, ưu tiên phát triển các sản phẩm: Thiết bị, linh kiện, phần mềm phục vụ sản xuất các sản phẩm ô tô, xe máy điện, thiết bị điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghiệp điện, điện tử công nghệ cao; chế biến sâu nông sản thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn; các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, vật liệu mới và các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, hóa chất,...

Quyết liệt, khẩn trương triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ các KCN, CCN đã được quy hoạch; tiếp tục, rà soát, điều chỉnh bổ sung các KCN, CCN mới, trong đó xác định một số KCN, CCN dành riêng cho một số quốc gia trọng điểm thu hút đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc); triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư chuyên đề để kêu gọi nhà đầu tư phát triển hạ tầng cho các KCN, CCN mới.

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng các công trình xã hội đi kèm cho các KCN, CCN tại quỹ đất đã được quy hoạch; đồng thời và công khai quỹ đất để thu hút các dự án dịch vụ cao cấp như các khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ logistics... tại các khu vực tập trung KCN, CCN.

Rà soát lại mục tiêu, ngành nghề của các KCN, CCN đã được quy hoạch, thực hiện bổ sung, điều chỉnh (nếu cần thiết) đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, công nghiệp sạch, đồng thời tạo sự gắn kết trong nội bộ các KCN, CCN và giữa các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Rà soát, bổ sung chính sách, quy định của tỉnh về đầu tư, xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, cơ chế liên kết vùng, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện quy định khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các KCN, CCN của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh uỷ tại Kết luận số 232-KL/TU ngày 15/10/2021 về phát triển các KCN, CCN và thu hút dự án đầu tư và Thông báo số 1091-TB/TU ngày 31/3/2023 về tiến độ triển khai các KCN trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án đầu tư chậm tiến độ. Nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, gắn kết giữa Doanh nghiệp với các Trường Đại học, Trung tâm đào tạo nghề và thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các hoạt động đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Đề án cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025, Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, chính quyền điện tử; thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Tăng cường các hoạt động gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền các cấp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai các hành vi vi phạm trong triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

 Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực,.... nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, cải thiện lợi thế cạnh tranh. Kết nối, tư vấn, trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh với các Doanh nghiệp, Tập đoàn lớn để tìm hiểu yêu cầu, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia được vào các chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị. Hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ, thông tin các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng để xây dựng các mối liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng (chú trọng các cơ chế, giải pháp đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,...); kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với các khoản tín dụng ưu đãi cho đầu tư cơ sở hạ tầng,.... Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà đầu tư chậm tiến độ, không đủ năng lực. Quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng logistic, trước mắt là hệ thống cảng cạn, kho bãi,...; kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước tiếp cận, kết nối với mạng lưới doanh nghiệp logistic cả nước, khu vực và quốc tế...

(Tác giả: Đồng chí Nguyễn Văn Thơ - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên)

Nguồn: socongthuong.hungyen.gov.vn

ST: TTH