Đây là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức ngày 14/10/2019, tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng 500 đại biểu đại diện Lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã 63 tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, một số hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp liên kết và hơn 200 lãnh đạo hợp tác xã.

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và đặc biệt có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường.

9 tháng đầu năm 2019, số hợp tác xã (HTX) thành lập mới đạt 1.598 HTX giải thể 341 HTX yếu kém; thành lập mới 02 liên hiệp hợp tác xã (LHHTX). Đến 9/2019, cả nước có 23.905 HTX tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó 22.649 HTX đang hoạt động, 1.256 ngừng hoạt động; số HTX đang hoạt động được phân loại như sau: nông - lâm - ngư - diêm nghiệp thủy sản: 14.379 HTX, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 1.923 HTX, thương mại: 1.944 HTX, vận tải và dịch vụ vận tải: 1.375 HTX, xây dựng - sản xuất vật liệu xây dựng: 852 HTX, môi trường: 483 HTX, quỹ tín dụng nhân dân: 1.180 Quỹ, dịch vụ (y tế, nhà ở, giáo dục, du lịch sinh thái...) 454 HTX. Có 54/63 tỉnh, thành phố tăng số lượng HTX; số HTX vùng Tây Bắc tăng 4% và chiếm 9% tổng số HTX, Đông Bắc tăng 4% và chiếm 18%, Đồng bằng sông Hồng giảm -5% và chiếm 25%, Bắc Trung bộ tăng 4% và chiếm 18%, Duyên hải Nam Trung bộ giảm - 4% và chiếm 5%, Tây Nguyên tăng 6% và chiếm 6%, Đông Nam bộ tăng 3% và chiếm 8%, Đồng bằng sông Cửu Long tăng 4% và chiếm 12%. Trong 9 tháng, cả nước thành lập mới 02 LHHTX, nâng tổng số LHHTX toàn quốc đạt 76, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, vận tải. Cả nước có trên 100 nghìn tổ hợp tác (THT), trong đó THT nông nghiệp chiếm 32%, phi nông nghiệp chiếm 68% với các hình thức hợp tác đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, theo thống kê, 15 THT đã được tư vấn, chuyển đổi thành mô hình HTX trong 9 tháng đầu năm 2019.

Tổng vốn điều lệ của các HTX là 32 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi HTX là 1,3 tỷ đồng/HTX; tổng tài sản 171 nghìn tỷ đồng, bình quân 7,7 tỷ đồng/HTX, trong đó Quỹ tín dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/Quỹ; doanh thu bình quân HTX 4,2 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 305 triệu đồng/HTX. Tổng số lao động thường xuyên khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 45 triệu đồng/năm/người.

Đến tháng 9/2019, cả nước có khoảng 1.500 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp. Các HTX đã giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kinh tế tập thể (KTTT), HTX có vai trò quan trọng với nền kinh tế - xã hội. Thực tế đã chứng minh, trong mỗi giai đoạn phát triển, KTTT, HTX luôn luôn có đóng góp quan trọng. Bước sang thời kỳ đổi mới, KTTT, HTX mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn nỗ lực, tự đổi mới vươn lên và ngày càng thể hiện đúng vai trò, bản chất HTX, đặc biệt là từ khi có Luật HTX năm 2012 đã thể hiện được tư duy mô hình HTX kiểu mới, hạt nhân là hợp tác, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong thời gian qua, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều biến động, nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng khu vực HTX vẫn hoạt động khá ổn định, một số nơi số lượng HTX tăng đều qua hằng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Tính đến ngày 31/12/2018, có 22.861 HTX (trong đó có 13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đóng góp của khu vực HTX thông qua hai kênh đó là trực tiếp của HTX vào trong nền kinh tế và đóng góp gián tiếp qua HTX thành viên, thành viên tổ hợp tác. Đây là xu hướng mới trong thời gian qua. HTX đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí đầu vào, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo...

Trong thời gian qua đã xuất hiện các HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, chưa tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác giữa các HTX với nhau và với doanh nghiệp còn hạn chế, vai trò của LHHTX chưa được phát huy…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để đưa KTTT, HTX thoát khỏi những tồn tại, hạn chế, phát triển tốc độ cao hơn, tiến tới ngày càng có tỷ trọng cao hơn trong GDP của nền kinh tế thì việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ cũng như sự ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực này là rất quan trọng. Luật HTX năm 2012 đã quy định sáu chính sách hỗ trợ đối với HTX như đào tạo, thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, vốn, tạo điều kiện để thực hiện các chỉ tiêu, chương trình phát triển. Bên cạnh đó, còn có hai chính sách ưu đãi liên quan đến thuế và lệ phí đăng ký HTX. Ngoài ra, các HTX còn được hưởng ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng, đất đai, vốn, giống, chế biến sản phẩm,… Các chính sách này được cụ thể hóa trong chương trình hỗ trợ HTX phát triển giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014. Cùng với đó, nhiều địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển phù hợp với khả năng của mình.

 

Tuy nhiên công tác triển khai còn nhiều hạn chế, nhiều chính sách chưa được thực hiện như chính sách giao đất, xây dựng kết cấu hạ tầng…; Một số chính sách đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách hỗ trợ sản phẩm. Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là sự kiện rất có ý nghĩa, dịp để các HTX và các cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức, những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX ở nước ta nói riêng và thế giới nói chung. Đồng thời, đây cũng là dịp tăng cường giao thương hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ... góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các HTX, LHHTX trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đáp ứng với nhu cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân và các tổ chức, cá nhân muốn hợp tác để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho mình và cho đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Diễn đàn KTTT, HTX năm 2019 nhằm tạo điều kiện cho các HTX, LHHTX, tổ hợp tác, thành viên của HTX phản ánh tiếng nói, nguyện vọng, thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh, những khó khăn vướng mắc, những kinh nghiệm phát triển mô hình, cũng như đề xuất về chính sách với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Bên lề Diễn đàn, Ban Tổ chức phối hợp với các HTX tổ chức trưng bày, giới thiệu những thành tựu trong 15 năm phát triển KTTT, HTX, triển lãm giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các HTX trên toàn quốc./.

Nguồn: mpi.gov.vn
Tin đã đăng