Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết và chuẩn bị có hiệu lực sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế của Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) Việt sẽ chính thức bước vào vòng xoáy của nền kinh tế mới với những cơ hội tiềm năng, song song với đó là những thách thức về bảo hộ, quy định, chuẩn mực khắt khe về gia nhập thị trường.
Cơ hội lớn cho hàng Việt
Bà Nguyễn Thảo Hiền- Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường Châu Âu- Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, EVFTA chuẩn bị có hiệu lực thực thi trong năm 2020 sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU. Lợi ích rõ ràng nhất đối với Việt Nam sau khi EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực là các sản phẩm của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, đó là nhờ vào việc cắt giảm hàng rào thuế quan theo lộ trình ngắn, hàng Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa từ các quốc gia khác không có FTA với EU.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, sẽ có 85,6% số dòng thuế được xóa bỏ, chiếm khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU; sau 7 năm thực hiện EVFTA có 99,2 số dòng thuế xóa bỏ, chiếm 99,7% kim ngạch xuất khẩu và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ áp TRQ (hạn ngạch áp dụng thuế quan) với thuế trong hạn ngạch là 0%.
Với việc giảm thuế từ EU sẽ mang lại cơ hội nhiều mặt hàng nông sản như gạo và sản phẩm từ gạo. Cụ thể, EU sẽ dành tổng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi cơ bản xóa bỏ thuế ngay. Với nhóm hàng thủy sản, hải sản sẽ có 50% số dòng thuế xóa bỏ khi EVFTA có hiệu lực (thuế suất hiện nay 6%- 22%); 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3- 7 năm.
Ở nhóm hàng công nghiệp, dệt may, sẽ có 42,5% số dòng thuế được xóa bỏ ngay, còn lại về 0% sau 3- 7 năm; da giày có 37% dòng thuế xóa bỏ ngay, về 0% sau 3-7 năm; 83% số dòng thuế gỗ và sản phẩm gỗ được xóa bỏ, về 0% sau 5 năm; máy tính, các sản phẩm điện tử và linh kiện 74% xóa bỏ ngay, về 0% sau 3-5 năm; các sản phẩm nhựa, điện thoại và linh kiện, túi xách, sản phẩm sắt thép, thủy tinh cơ bản được xóa bỏ thuế ngay.
Nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó các thách thức
Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2019, chủ đề “Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường EU thông qua EVFTA” tổ chức ngày 19/12, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc giảm thuế suất theo các cam kết tạo sức cạnh tranh cho hàng Việt nhưng cũng đồng nghĩa các DN Việt Nam phải đối mặt nhiều hơn với thách thức về xu hướng bảo hộ thông qua quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng nhập khẩu vào thị trường EU. Để gia nhập vào thị trường EU nhiều triển vọng nhưng cũng vô cùng khó tính, các DN Việt phải hiểu rõ tính chất, yêu cầu của đối tác cũng như nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh để mở rộng quy mô và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định FTA thế hệ mới này mang lại.
Đơn cử mặt hàng giày dép và dệt may là những ngành có lợi thế nhất khi EVFTA có hiệu lực. Nhưng điểm chung của hai lĩnh vực này phần lớn là gia công nên muốn tận dụng ưu đãi thuế theo cam kết EVFTA, các DN dệt may, da giày cần chuyển sang công đoạn phát triển sâu, theo chuỗi từ phát triển nguyên liệu, thiết kế đến sản phẩm hoàn chỉnh để đảm bảo nguyên tắc xuất xứ trong EVFTA.
Ngoài ra, để hàng Việt xuất khẩu vào EU, ngoài việc đáp ứng tốt về chất lượng, an toàn thực phẩm, còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất... Cụ thể, hàng rào kỹ thuật có tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, dán nhãn, nhãn sinh thái EU…. Ngoài ra, EU còn áp dụng hạn chế nhập khẩu với một số sản phẩm nông nghiệp (cần có giấy phép nhập khẩu), sản phẩm nhôm, sắt thép (tất cả nhập khẩu sắt, thép và một số sản phẩm nhôm có trọng lượng tịnh trên 2.500 kg phải được EU giám sát từ trước).
Ở góc độ DN, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các DN xuất khẩu thủy sản thời gian quan cũng đã có sự chủ động, chuẩn bị tất cả các điều kiện theo yêu cầu của EU để được cấp giấy chứng nhận về nguồn gốc, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường...
Thị trường EU có những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng của họ, vì vậy, điều quan trọng là DN Việt Nam cần phải nắm rõ hiệp định và các quy tắc để xuất khẩu hàng hóa. Các DNcần chủ động ứng phó các rào cản thương mại của thị trường EU, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu - bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết thêm.
Theo tính toán, khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương khoảng 15 tỷ Euro; hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng tăng khoảng 18%, tương đương 8 tỷ Euro.
kiểm đếm, phân loại hàng hóa đồng thời làm việc với chủ cơ sở về nguồn gốc sản phẩm.
congthuong.vn