Cụ thể: sáng ngày 15/8/2019, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam - Gia Lai năm 2019; chiều 15/8/2019 Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị công tác Khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ X, năm 2019; tối 15/8/2019 Cục Công Thương địa phương phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2019 tại Gia Lai, Hôi chợ triển lãm này sẽ bế mạc ngày 21/8/2019; sáng 16/8/2019, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức Hội ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VI, năm 2019 tại Gia Lai.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tham dự và cắt băng khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019.
Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam - Gia Lai năm 2019 và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2019 tại Gia Lai có sự tham gia của 15 Sở Công Thương và các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên; có 11 tỉnh, thành phố khác ngoài khu vực cũng đưa doanh nghiệp đến tham gia, tại Hội chợ có 400 gian hàng và 170 doanh nghiệp từ 26 tỉnh, thành phố nói trên tham gia.
Hội nghị công tác Khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ X, năm 2019 diễn ra với chủ tọa là: ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai; ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương và ông…….Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai.
Theo báo cáo của Cục Công thương địa phương, năm 2018, tổng kinh phí khuyến công của các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên là trên 60 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện công tác khuyến công quốc gia là 30,3 tỷ đồng, khuyến công địa phương gần 30 tỷ đồng. Năm 2019, nguồn kinh phí khuyến công được duyệt là trên 63 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện công tác khuyến công quốc gia là 28,6 tỷ đồng, khuyến công địa phương trên 34,5 tỷ đồng. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, các tỉnh, thành phố đã thực hiện được gần 20 tỷ đồng cho công tác khuyến công.
Từ năm 2018 đến nay, đã có 756 lao động được đào tạo nghề; trên 1.000 đối tượng được hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp; 20 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới được hỗ trợ xây dựng và 13 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, tỉnh, huyện đã được tổ chức.
Tại Hội nghị, có 06 tập thể và 02 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương do đạt thành tích xuất sắc trong công tác Khuyến công năm 2018 tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Kết thúc hội nghị, toàn thể đại biểu đã thống nhất đề nghị trao quyền đăng cai tổ chức hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ XI năm 2020 cho Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình.
Hội ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VI, năm 2019 tại Gia Lai diễn ra với chủ tọa là: ông Hoàng Quốc Vượng,Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực, nhằm tổng kết hoạt động của ngành công thương năm 2018, đồng thời đề ra mục tiêu, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho giai đoạn mới; đại diện một số Cục, Vụ của Bộ Công Thương.
Được tổ chức luân phiên hàng năm, Hội nghị là dịp để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, tạo sự liên kết, hỗ trợ và hợp tác để triển khai có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Tại Hội nghị, ngoài những kiến nghị của các Sở Công Thương đã được Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản, một số đại biểu trong tham luận của mình có nêu thêm một số khó khăn, vướng mắc trong một vài lĩnh vực tại địa phương mình. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã đề nghị đại diện lãnh đạo một số Cục, Vụ của Bộ Công Thương có ý kiến phát biểu ngay tại Hội nghị: Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường Châu Âu-Châu Mỹ, Vụ Khoa học công nghệ, Cục Công Thương địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, thời gian qua, 15 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt thành tựu lớn trên nhiều mặt, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung của cả nước như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng… Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu, ngành công thương các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần tập trung quan tâm một số nội dung cụ thể. Đó là, tập trung nguồn lực phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn gắn với lợi thế của địa phương; từng bước phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; kết nối phát triển liên kết vùng; tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Riêng về vấn đề quy hoạch, Thứ trưởng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh trong khu vực để đáp ứng mục tiêu phát triển, không để trùng lắp, mâu thuẫn, cạnh tranh lợi ích giữa các tỉnh với nhau. Bên cạnh đó, các tỉnh cần phát huy tối đa vị trí địa lý, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu, nắm bắt những cơ hội, thách thức hiện nay để khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA); phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh với Bộ Công Thương để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển.
Năm 2018, đa số các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước 10,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 444 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017. Toàn vùng có 13 khu kinh tế, 57 khu công nghiệp với trên 2.300 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện trên 618 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 144 nghìn lao động.
Đối với lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt gần 700 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 15,86% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8.445 triệu USD, nhập khẩu gần 5.175 triệu USD.
Riêng 7 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ước đạt 262 nghìn tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 445 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 5.384 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 3.087 triệu USD.
Ngoài ra, các tỉnh trong khu vực đã chủ động mở rộng tìm kiếm khách hàng tại các thị trường mới thâm nhập; cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, thương mại được quan tâm đầu tư, cải thiện; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương được chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả; công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Kết thúc hội nghị, toàn thể đại biểu đã thống nhất đề nghị trao quyền đăng cai tổ chức hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VII, năm 2020 cho Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình.
Hương Vũ (Arit)