Đến nay, toàn tỉnh có 49 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh, 6 sản phẩm cấp khu vực và 2 sản phẩm cấp quốc gia. Việc tổ chức SPCNNTTB đã nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm có chất lượng; khuyến khích, tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy khả năng sáng tạo, lợi thế cạnh tranh nhằm tạo ra sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, giải quyết việc làm cho người lao động và tích cực tham gia bảo vệ môi trường, góp phần phát triển KT - XH địa phương.
Để gắn kết với thị trường, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy quảng bá các SPCNNTTB; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, DN phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường, xây dựng chiến lược phát triển bền vững và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ năm 2018 trở lại đây, Trung tâm tạo điều kiện cho 257 lượt DN, hợp tác xã (HTX) tham gia 124 hội chợ, phiên chợ, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và các địa phương. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, tuyên truyền cho các DN, HTX ứng dụng quảng bá, xúc tiến thương mại điện tử cho các SPCNNTTB. Đến nay có gần 100 gian hàng của các tổ chức, DN, cá nhân được tư vấn, hỗ trợ trên nền tảng thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận, phân phối tại nhiều hệ thống siêu thị lớn tại các tỉnh, thành phố và xuất khẩu ra nước ngoài.
Sau nhiều năm kinh doanh lĩnh vực chế biến thực phẩm, HTX Tâm Hòa (Thành phố) đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm. Từ năm 2015 - 2021, sản phẩm lạp sườn và thịt hun khói của HTX đạt SPCNNTTB cấp quốc gia, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, có mặt tại hệ thống các chuỗi siêu thị cung ứng trong toàn quốc và các nhà đầu tư đưa lên sàn thương mại điện tử nông sản. Lộ trình năm 2022 và những năm tiếp theo, 2 sản phẩm tiếp tục được HTX đầu tư nâng cấp lên hạng 4 sao. Bà Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc HTX Tâm Hòa cho biết: Đơn vị đang cố gắng nâng cấp các dây chuyền sản xuất theo hướng khép kín, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nguyên liệu thịt đầu vào đến chế biến, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao mẫu mã, chất lượng các sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất; kết nối với các đầu mối để đưa sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường. Từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh các sản phẩm ẩm thực đặc trưng vùng, miền, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng cũng được các DN, HTX quan tâm đầu tư. Để khai thác tiềm năng lợi thế cây trúc sào, Công ty TNHH một thành viên 688 (Nguyên Bình) sản xuất mặt hàng chiếu trúc và một số sản phẩm khác được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Với tính ưu việt vượt trội, sản phẩm chiếu trúc được Cục Công thương địa phương chứng nhận SPCNNTTB cấp khu vực năm 2020, Bộ Công thương công nhận SPCNNTTB cấp quốc gia năm 2021 và là sản phẩm đầu tiên được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên 688 Nguyễn Quang Quyền cho biết: 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm tiêu thụ chậm hơn, dẫn đến sản xuất, kinh doanh của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Thay vì sản xuất hàng loạt, nay đơn vị triển khai các phương án sản xuất thích ứng với điều kiện mới; chủ động tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm mới với mẫu mã đẹp hơn, chất lượng tốt hơn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài chiếu trúc, cơ sở còn sản xuất nhiều đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ từ cây trúc như: mành, rèm, bàn ghế, túi xách thời trang với thiết kế tinh tế, góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường.
Từ năm 2018 đến nay, hoạt động khuyến công thực hiện 44 đề án với tổng kinh phí 12,31 tỷ đồng, trong đó có 24 đề án khuyến công tỉnh và 20 đề án khuyến công quốc gia. Việc hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực như: đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, máy móc thiết bị, hỗ trợ thành lập DN, tổ chức tham gia hội chợ triển lãm, phát triển SPCNNTTB, tham quan học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn trợ giúp lập dự án đầu tư, lập hồ sơ đề án khuyến công. Đến nay, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có bước phát triển khá nhanh, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản phẩm công nghiệp nông thôn ngày càng phong phú, đa dạng, mẫu mã đẹp, một số sản phẩm khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Năm 2022, toàn tỉnh tiếp tục triển khai 9 đề án khuyến công với tổng kinh phí 1 tỷ 075 triệu đồng. Trong đó, nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ 7 đề án với kinh phí 850 triệu đồng; nguồn khuyến công quốc gia hỗ trợ 2 đề án với kinh phí 900 triệu đồng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Phạm Đức Minh cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn tổ chức thực hiện để tạo ra nhiều SPCNNTTB đem lại giá trị kinh tế cao. Hỗ trợ các đơn vị nâng cao năng lực quản lý DN, năng lực sản xuất sạch thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, hội thảo, tham quan khảo sát, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác.
Phối hợp với các ban, ngành, địa phương tạo điều kiện giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tạo mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tăng cường khảo sát, kiểm tra giám sát nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, đề xuất bổ sung kịp thời các đề án khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn...
Theo Báo điện tử tỉnh Cao Bằng