Sáng 29/11/2024, UBND TP. Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ khai mạc Diễn đàn Quốc tế Phát triển bền vững ĐBSCL (SDMD) lần II/2024 với chủ đề: “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL”.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của 400 đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; cơ quan ngoại giao quốc tế, UBND các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các Sở: Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; các hiệp hội, tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; các tổ chức, chuyên gia quốc tế; các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế.

Về phía Bộ Công Thương, có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương.

Phát biểu khai mạc, ông Dương Tấn Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Diễn đàn quốc tế SDMD tổ chức 2 năm một lần. Năm 2024 với chủ đề "Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL". Diễn đàn được tổ chức nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế cung cấp, chia sẻ thông tin và đề xuất giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng yếu của ĐBSCL, góp phần hỗ trợ xây dựng các chủ trương, chiến lược và chính sách phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn đến 2045, đặc biệt về công nghiệp hóa - hiện đại hóa ĐBSCL trong bối cảnh mới.

Ông Dương Tấn Hiển - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ - phát biểu tại diễn đàn.

Đây cũng là một trong những hoạt động giúp thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL và các viện, trường; kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp…

Ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh: Thành phố Cần Thơ, “hạt nhân” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đang tận dụng nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2024 - 2025 và tầm nhìn 2030. Trong đó, Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở, tiền đề vững chắc để thành phố tiếp tục mở rộng tầm nhìn, tăng tốc bứt phá, thể hiện sự khát khao, mong muốn đưa thành phố Cần Thơ phát triển vươn tầm cao mới, xứng tầm với vị thế, tiềm năng hiện có.

Theo ông Dương Tấn Hiển, thành phố Cần Thơ đang tận dụng các mối quan hệ và chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương để xúc tiến đầu tư; tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến từ các quốc gia châu Á và châu Âu; đồng thời, xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư, trong đó có mời gọi nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của thành phố. Thành phố cũng đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách đầu tư của thành phố. Qua đó mời gọi các chủ đầu tư, các nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, thành phố cũng thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện cho các nhà đầu tư. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn và ổn định; duy trì việc cải thiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đầu tư để phát triển bền vững gắn với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất sạch để giao cho nhà đầu tư triển khai các dự án có hiệu quả cao.

Ông Dương Tấn Hiển tin tưởng, trong tương lai thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời khẳng định lãnh đạo UBND thành phố cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư tại thành phố Cần Thơ.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe trình bày nhiều báo cáo, tham luận, chia sẻ, đề xuất từ đại diện các địa phương, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy tăng cường hợp tác, định hướng phát triển và xây dựng hành động chiến lược cụ thể cho sự phát triển bền vững công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) cho rằng, tiềm năng nông nghiệp, thủy sản của ĐBSCL rất lớn, nhưng hiện nay công nghiệp chế biến chưa thực sự phát triển nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên để kinh tế nông - thủy sản thật sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

Quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước còn chậm, trình độ công nghệ chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước chưa cao.

"Để phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian tới, cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp như là sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản; ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất,..." - ông Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Bách khoa, Đại học Cần Thơ khuyến nghị, nhằm phát triển tương xứng với tiềm năng về nông nghiệp và thủy sản, ĐBSCL hơn lúc nào hết cần tăng cường đầu tư công nghiệp - hiện đại hóa trong tình hình mới, nhất là không ngừng đổi mới khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cao phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL theo định hướng của Chính phủ.

Ngoài ra, trong khuôn khổ diễn đàn còn diễn ra phiên tọa đàm bàn tròn cùng chuyên gia - kinh nghiệm từ các quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa các lĩnh vực và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững; lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND thành phố Cần Thơ, doanh nghiệp và Trường Đại học Cần Thơ.

Trên cơ sở kết quả của Diễn đàn lần này, Lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ cam kết sẽ tiếp tục đóng góp nguồn lực nội tại cũng như phát huy những lợi thế và tiềm năng hiện có để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển ĐBSCL theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành, theo kỳ vọng của các địa phương và tinh thần của các kỳ Diễn đàn quốc tế SDMD trước đó./.

Bài: NTB

Ảnh: Sưu tầm