Chiều 30/11, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương chủ trì Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND thành phố Cần Thơ.

Cơ bản về đích cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Báo cáo với Đoàn công thác, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, tính đến tháng 11/2023, chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không được phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương mà sử dụng 100% nguồn vốn ngân sách địa phương, do đó, thành phố đã huy động nguồn lực, nguồn vốn lồng ghép với tổng số vốn bố trí, huy động là 1.867,698 tỷ đồng.

Riêng đối với vốn đầu tư công, kết quả phân bổ vốn từ ngân sách là 671,401 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân là 80,3%; ước đến hết năm giải ngân 97,4%. Đến hết tháng 11/2023, toàn thành phố có 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2025, đạt 100%.

Tính đến tháng 11/2023, có 26/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt tỷ lệ 72%; có 2/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 5,6%. Tỉnh Cần Thơ cũng có 4/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%.

Với Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, kinh phí thực hiện năm 2023 được lồng ghép trong nhiệm vụ chi thường xuyên. Số tiền chi từ nguồn chi thường xuyên, huy động vốn để lồng ghép thực hiện là hơn 489 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,21%, giảm 0,31%, vượt 55% so với kế hoạch đề ra.

Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn vốn thực hiện năm 2023 là hơn 31 tỷ đồng với 10 dự án. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, việc triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 của Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ triển khai thực hiện thí điểm dự án “Trung tâm kết nối giao thương thương mại, du lịch và quảng bá sản vật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tại một số địa phương, trong đó có Cần Thơ đến nay gần hết năm thứ ba thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 và Thông tư 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 của Ủy ban Dân tộc chưa hướng dẫn chi tiết việc thành lập Trung tâm.

Theo kế hoạch, năm 2024, Cần Thơ phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 8/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫy đạt tỷ lệ 22,2%; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kế hoạch nguồn lực, nguồn vốn thực hiện chương trình năm 2024 – 2025 là hơn 2.947 tỷ đồng. Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kế hoạch nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoàn 2024 – 2025 là hơn 24 tỷ đồng.

Cần Thơ sẽ tập trung các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình và cá nhân người dân tộc thiểu số, trong đó, ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn đặc thù nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, ban, ngành tỉnh Cần Thơ cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 190/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, do không còn phù hợp với giai đoạn mới (2021 – 2025).

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể việc thành lập “Trung tâm kết nối giao thương thương mại, du lịch và quảng bá sản vật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tại một số địa phương, trong đó có Cần Thơ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai thực hiện.

Về đích về số lượng nhưng về thực chất thì chưa tới

Theo đánh giá của các thành viên trong Đoàn kiểm tra, Cần Thơ là một trong những địa phương không nhận nguồn ngân sách từ trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp mà chủ yếu huy động từ các nguồn lực, đến thời điểm này, về cơ bản, các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Cần Thơ đã cơ bản về đích của năm nay. Tuy nhiên, một số lưu ý như dù là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo rất thấp, chỉ còn 764 hộ, tuy nhiên, vẫn còn gần 6.000 hộ cận nghèo. Đây là con số đáng lưu ý.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, một số tiêu chí về đích về số lượng nhưng về thực chất thì chưa tới. Ví dụ, về Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới (Tiêu chí số 7), dù đâu đó đã đạt nhưng vấn đề an toàn thực phẩm cũng cần phải lưu ý. Việc đi vào chiều sâu sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, cũng như mang lại sự hài lòng cho người dân địa phương.

Tham gia Đoàn công tác, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, đây là năm thứ 2 tham gia đoàn công tác của Bộ Công Thương, so với báo cáo năm ngoái, Cần Thơ tiếp tục đạt được những kết quả rất tốt ở cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

“Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng thương mại Cần Thơ vẫn tiếp tục tăng trưởng 12,7% trong khi mặt bằng của cả nước chỉ đạt 9,7% trong 9 tháng đầu năm 2023, chắc chắn có sự đóng góp của 36 xã đạt nông thôn mới, trong đó, có cải thiện văn minh hạ tầng thương mại”, bà Lê Việt Nga chia sẻ.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, ngày 22/6/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-BCT về việc hướng dẫn và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Văn bản này đã gửi cho UBND các tỉnh, thành phố, đồng gửi các Sở Công Thương và Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, sau cuộc làm việc này, cần sự vào cuộc của Sở Công Thương Cần Thơ hướng dẫn các địa phương về chuyên môn một cách cụ thể để việc đạt được Tiêu chí số 7 xã nông thôn mới nâng cao một cách thực chất.

Về kiến nghị thành lập Trung tâm kết nối giao thương thương mại, du lịch và quảng bá sản vật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà Lê Việt Nga cho rằng, Cần Thơ cần phải làm việc lại với Ủy ban Dân tộc để biết được Bộ, ngành nào là đầu mối trong việc đưa ra đề xuất.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, mới đây, HĐND thành phố Cần Thơ cũng đã phê duyệt quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030 thành phố Cần Thơ là trung tâm đô thị của vùng, thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu; là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao của vùng.

oàn bộ Chương trình mục tiêu Quốc gia trong thời gian vừa qua, Cần Thơ đã lồng ghép vào nguồn vốn ngân sách của địa phương và nguồn vốn xã hội hóa. Do đó, địa phương cần xây dựng báo lên lãnh đạo tỉnh từ đó biết được nguồn lực cũng như phương hướng đặt Trung tâm này ở đâu.

Đánh giá cao các kết quả đạt được của thành phố Cần Thơ trong việc triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia, tuy nhiên, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cũng nhắc lại ý kiến của các đại biểu tham gia đoàn kiểm tra về việc Cần Thơ vẫn một số chỉ tiêu còn một chút "băn khoăn" so với kiểm tra thực tế.

Về chương trình, giải pháp kế hoạch năm 2024, 2025, Cần Thơ đã nêu chi tiết và đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm sát sao triển khai thực hiện. “Chương trình nông thôn mới, hệ thống chính trị vào cuộc rất mạnh, tuy nhiên, chương trình dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững lúc này lúc khác không phải toàn bộ các cấp, các ngành có sự quan tâm thường xuyên, liên tục”, ông Ngô Quang Trung nêu vấn đề.

Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Cần Thơ căn cứ hệ thống chính sách của Trung ương từ đó trong điều kiện của mình có thể xây dựng chính sách, tiêu chí, nội dung khác biệt so với các địa phương trong vùng. Ví dụ, nông thôn mới Cần Thơ phải mang dáng dấp một đô thị, hay vấn đề kinh tế số. Tất cả đều phải đi vào thực chất.

Ông Ngô Quang Trung cũng đề nghị địa phương gửi báo cáo cụ thể, chi tiết về những kết quả đạt được, những khó khăn đang vướng mắc trong triển khai các Chương trình gửi về Cục Công thương địa phương trước ngày 10/12 để Cục tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng thời đề nghị các Sở ngành địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Trung ương trong quá trình trao đổi, thông tin triển khai thực hiện, từ đó tổng hợp, rút kinh nghiệm.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia mang ý nghĩa chính trị rất lớn, do đó, ông Ngô Quang Trung cũng đề nghị Cần Thơ đẩy mạnh công tác phối hợp truyền thông với cơ quan truyền thông trung ương và địa phương.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, với các Tiêu chí số 4 về điện nông thôn và Tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn, UBND thành phố sẽ giao Sở Công Thương phối hợp với các Sở ngành khảo sát, đánh giá, đối chiếu tiêu chí, từ đó tham mưu cho UBND thành phố và Ban chỉ đạo để đưa vào thực hiện trong thời gian tới, để làm sao khi nói về chợ thì chợ phải đạt chuẩn hay việc sử dụng điện là phải điện an toàn.

Trước đó, sáng nay (30/11), Đoàn công tác kiểm tra, giám sát hình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công Thương đã khảo sát thực tế tại Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Mỹ Khánh - xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền; Chợ Ba Mít, ấp Trường Trung, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

Trong ngày mai 1/12, Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố An Giang, Đồng Tháp về việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023./.

Nguồn: congthuong.vn

Sưu tầm: PTKD