Bước qua Covid-19: Cùng doanh nghiệp Việt "vững tay chèo"
Trong lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có người đặt ra câu hỏi ngành công nghiệp Việt Nam sẽ đi về đâu khi chuỗi cung ứng thế giới đứng trước nguy cơ đứt đoạn? Bộ Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang đưa ra câu trả lời khá rõ ràng bằng những hành động minh chứng cụ thể.
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây chiều 5/3/2020
Doanh nghiệp lạc quan có “người” đồng hành vượt bão
"Ngấm" đòn Covid-19, tính chung 2 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Việt Nam chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% cùng kỳ năm 2018 và 9,2% cùng kỳ năm 2019 (số liệu Bộ Công Thương).
Dù vậy, doanh nghiệp trong nước vẫn chia sẻ quan điểm rằng với dõi theo sát sao và hỗ trợ kịp thời của Bộ Công Thương cũng như Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp không hề bi quan về tương lai.
Có tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao, trên 70%, đại diện một doanh nghiệp da giầy là Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây cho biết hiện phần nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc (gồm một số loại PU, vải đặc thù) đủ dùng cho sản xuất đến giữa tháng 3, cũng như thời gian dự báo của nhiều doanh nghiệp dệt may, da giầy khác tại Việt Nam (khoảng tháng 3-4/2020).
Tuy nhiên, thông tin tại buổi làm việc giữa Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và 11 Hiệp hội ngành hàng mới đây cho thấy, một tín hiệu đáng mừng là các nhà máy tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại nên nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất da giầy bắt đầu lưu thông, mặc dù sản lượng không được như trước đây.
Sản xuất da giầy trong nước đón tin vui khi các nhà máy nguyên phụ liệu tại Trung Quốc đã dần mở cửa trở lại
Doanh nghiệp Việt cũng chủ động liên hệ, tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước, đồng thời đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên phụ liệu để đáp ứng đơn hàng FOB.
Trường hợp đàm phán thành công, doanh nghiệp cần giải bài toán khác là logistics, khi nhiều container đường bộ và biển gặp ách tắc do công tác phòng chống dịch bệnh, khiến việc giao nhận hàng gặp khó. “Nếu giao bằng đường hàng không, chi phí vận chuyển sẽ tăng từ 15 cents/đôi giầy lên 4 USD/đôi”, theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Hóa dệt Hà Tây.
Thấu hiểu vướng mắc của doanh nghiệp, từ 24/2/2020, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1182 gửi Bộ Giao thông Vận tải, trong đó đề nghị phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics.
Mặt khác, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, đánh giá tác động của dịch bệnh này tới các hoạt động kinh tế - thương mại của Việt Nam và có Báo cáo đánh giá tác động, đề xuất hướng xử lý gửi Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ ngành liên quan cùng phối hợp thực hiện. Đồng thời, ngày 13/2/2020 đã ban hành Quyết định số 481/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch Covid-19 gây ra.
Nhằm ứng phó với dịch Covid-19, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời
“Kê đơn” đúng thuốc, đúng bệnh, đúng thời điểm
Trong khi đó, “cánh chim đầu ngành” dệt may là May 10 cho biết, tháng 2-3/2020, Tổng Công ty đã chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ Covid-19, với doanh thu xuất khẩu giảm 10% so với kế hoạch. Doanh nghiệp chịu sức ép về đảm bảo việc làm và lương cho người lao động, trả nợ vay ngân hàng đúng hạn trong khi lượng đơn đặt hàng có xu hướng giảm.
Khó khăn lớn nhất mà ông Thân Đức Việt - Giám đốc May 10 đưa ra là vấn đề nguồn cung, khi nguyên vật liệu phục vụ sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Chỉ riêng sản phẩm chủ lực là sơ mi, mỗi tháng May 10 cần khoảng 800 mẫu vải khác nhau từ hơn 660 nhà cung cấp trên toàn thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường nguồn cung lớn nhất.
Tuy nhiên, khẳng định “May 10 có truyền thống càng khó khăn thì càng phát triển”, ông Thân Đức Việt cho biết đã chủ động tìm kiếm các nguồn cung thay thế tạm thời, cũng như Hóa dệt Hà Tây, đàm phán với đối tác để trì hoãn thời hạn đơn hàng hoặc yêu cầu điều chỉnh nguồn cung, nhận được sự đồng tình nhờ vào uy tín thương hiệu trên thị trường dệt may và quá trình xây dựng mối quan hệ bền vững trong cả đầu vào - đầu ra sản phẩm.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đã tính đến 3 kịch bản khác nhau của Covid-19 với các cấp độ: tốt (kiểm soát dịch trong quý I-II/2020), xấu (kiểm soát dịch vào cuối năm 2020) và rất xấu (dịch bệnh kéo dài chưa rõ thời gian chấm dứt).
Nhấn mạnh “sau cơn mưa trời sẽ sáng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ sự "tự tin rằng kịch bản rất xấu sẽ không xảy ra", nên bên cạnh các giải pháp triển khai ngay trong bối cảnh dịch bệnh, cần tính đến cả kế hoạch hậu dịch bệnh. Trong đó yêu cầu then chốt là hoàn thiện cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng và minh bạch, hỗ trợ nguồn lực để đảm bảo doanh nghiệp có điều kiện duy trì sản xuất kinh doanh, giữ thị phần phát triển, “tránh để tình trạng người ốm nhìn thấy thuốc mà không được uống”.
Thật vậy, tin vui đã đến khi Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới đây khẳng định sẽ dành gói 280.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục yêu cầu hệ thống thương vụ trải rộng khắp các châu lục huy động tối đa mối quan hệ để tìm kiếm nguồn cung mới có năng lực, nhanh chóng kết nối cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước.
Trong dài hạn, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng vẫn cần định hình lại ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, tái cơ cấu theo hướng bền vững để doanh nghiệp chủ động nguồn cung trong nước thay vì phụ thuộc nhập khẩu, giữ chắc chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kỳ vọng lớn từ EVFTA hậu Covid-19
Trước những tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp chia sẻ rằng đang trông đợi vào việc EVFTA đi vào thực thi ngay trong nửa sau năm 2020, khẳng định đây sẽ là “cứu cánh” mang đến cơ hội thị trường cho doanh nghiệp lấy lại đà phát triển hậu dịch bệnh.
Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp trong nước còn khá “loay hoay” tại thị trường châu Âu, với cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10-20% so với nước bạn.
“Thế nhưng 3 năm trở lại đây, đối tác EU bắt đầu quay lại Việt Nam khi nghe tín hiệu về EVFTA”, đại diện Hóa dệt Hà Tây chia sẻ, cho biết các đối tác này đều đang chờ đợi EVFTA có hiệu lực chính thức để tận dụng ưu đãi thuế quan khi hợp tác với ta.
Dệt may, da giầy được kỳ vọng sẽ "hưởng lợi" nhiều nhất từ EVFTA
Theo nhận định của Bộ Công Thương, dệt may sẽ là một trong những ngành hàng được "hưởng lợi" nhiều nhất từ EVFTA, theo đó trong vòng 7 năm mức thuế hiện hành (15%) sẽ được xoá bỏ dần về 0%. Đặc biệt, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA, thay vì “từ sợi trở đi” như CPTPP, cùng nguyên tắc cộng gộp xuất xứ, chỉ cần vải dùng cho sản phẩm dệt may được sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu từ các nước đã có hiệp định song phương với EU (điển hình như Hàn Quốc) thì thành phẩm xuất khẩu sang châu Âu vẫn được áp dụng ưu đãi từ EVFTA.
Đối với da giầy, ngay khi EVFTA có hiệu lực, ước tính có trên 37% số dòng sản phẩm được áp dụng mức thuế 0%, còn lại giảm dần theo lộ trình 7 năm, dự báo sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của ngành này vào thị trường EU vượt trên 12% trong năm đầu tiên và sẽ tăng trên dưới 10% vào những năm tiếp theo, theo tính toán của Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam.
Do đó, EVFTA sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường EU, nếu hiểu đúng và thực thi đúng các cam kết của Hiệp định này.
Bộ Công Thương cho biết, hiện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA, kỳ vọng Hiệp định sẽ có hiệu lực ngay vào tháng 7/2020.
“Bộ cũng đã bắt tay ngay vào phối hợp với phía EU và các Bộ, ngành trong nước để xây dựng kế hoạch thực thi có hiệu quả EVFTA, nghiên cứu sớm ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, thống nhất, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, cho biết thực thi EVFTA sẽ đi vào thực chất, đảm bảo hướng đến độ phủ nhận thức trong toàn xã hội và gắn với tạo điều kiện giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, khai thác tối đa cơ hội, giúp nền kinh tế lấy đà bật lên tăng trưởng bù lại trong nửa sau năm 2020.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gần đây đã liên tục cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đến làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, địa phương để lắng nghe tiếng nói thực tiễn về "bão dịch" Covid-19 và EVFTA.
Được biết trong tuần này, dự kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng sẽ điện đàm với phía Trung Quốc để tính phương án tăng cường hợp tác hai bên ở nhiều cấp, trên cơ sở đó tạo thuận lợi trong huy động nguồn lực xây dựng lại chuỗi cung ứng thông qua giải phóng nguồn cung mà doanh nghiệp đang cần.
Theo Tạp chí Công Thương