Ngày 11 tháng 12 năm 2019 tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do Ông HYODO Masayuki, Ông ICHIKAWA Hideo, Ông FUJIMOTO Masayoshi, đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Việt – Nhật dẫn đầu sang thăm, làm việc tại Việt Nam và tham dự Kỳ họp đánh giá cuối kỳ Giai đoạn 7 Sáng kiến chung Việt – Nhật vào ngày 12 tháng 12 năm 2019.

Tham dự buổi tiếp, về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng gồm Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi; về phía Nhật Bản ngoài các thành viên Liên đoàn kinh tế Nhật Bản còn có sự tham dự của Ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam UMEDA Kunoi.

Mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp đoàn Keidanren đến thăm và làm việc với Bộ Công Thương. Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của Keidanren, một tổ chức kinh tế tập hợp được nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã và đang đóng góp mạnh mẽ vào hợp tác song phương Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt với vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản trong việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Đây là cơ chế hợp tác có hiệu quả giúp định hướng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản về dài hạn, đồng thời giúp các bên có cơ chế đối thoại thẳng thắng và hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực cụ thể nhằm giúp xây dựng niềm tin và tạo ra các cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Chính phủ, Bộ Công Thương và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản. Trải qua 46 năm, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực nói chung và hợp tác thương mại, công nghiệp nói riêng. Nhật Bản vẫn luôn là một trong những đối tác thương mại, đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Trưởng đoàn phía Nhật chúc mừng thành tựu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2018 và 10 tháng đầu năm 2019 với con số rất ấn tượng, trong đó đầu tư từ Nhật Bản cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa hai Bộ về kinh tế nói riêng (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản – METI và Bộ Công Thương Việt Nam) trong bối cảnh cùng tham gia Hiệp định CPTPP và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP), bên cạnh những đòi hỏi ngày càng cao về cải thiện môi trường thương mại, đầu tư giữa hai nước. Phía Nhật cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản hiện rất quan tâm đầu tư, hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm… và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương cho các hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản thuộc Liên đoàn Keidanren trong thời gian tới.
Tiếp nối các đề xuất của Keidanren về lĩnh vực đầu tư, thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Chính phủ và các cơ quan quản lý Việt Nam, trong đó có Bộ Công Thương cam kết coi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, sẽ tiếp tục dành nhiều chính sách hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Bộ Công Thương là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, bằng việc cắt giảm các thủ tục hành chính các điều kiện kinh doanh do Bộ Công Thương quản lý. Bộ trưởng hoan nghênh và kêu gọi các doanh nghiệp Keidanren đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, Bộ Công Thương đã xây dựng, chỉnh sửa nhiều chính sách mới thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ hy vọng, trong thời gian tới, Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp Nhật với cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Bộ Công Thương cam kết tiếp tục hỗ trợ và hợp tác đối với Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản Các đề xuất của Keidanren trong cuộc họp Sáng kiến chung sẽ được phía Bộ Công Thương nghiên cứu nghiêm túc và sẽ có sự hợp tác tích cực, tương xứng theo hướng thực chất, chiều sâu nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có thể hưởng được nhiều lợi ích khi tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
 

Nguồn: moit.gov.vn

Tin đã đăng