Với chức năng nhiệm vụ là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra 60 - 70% GDP của cả nước, Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành có những chính sách ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh tương đối lớn. Theo thống kê đến thời điểm trước năm 2016, toàn ngành có khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh.
Với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu với Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể: Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2017 về Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018. Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và 09 Nghị định trong năm 2017 và năm 2018.
Với việc Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP và 09 Nghị định nêu trên ở trong năm 2017 và năm 2018, Bộ Công Thương là Bộ tiên phong trong việc thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Qua đó, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).
Trong năm 2019, 2020, Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/02/2020 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, tập trung vào cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất, điện lực, ô tô, kinh doanh khí, khoáng sản.
Như vậy, sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm trên 70%). Trong số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm …
Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) cũng được quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2020 về việc tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành. Triển khai thực hiện, ngày 23 tháng 6 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1649/QĐ-BCT ban hành Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC năm 2020 của Bộ Công Thương. Trong đó cắt giảm, đơn giản hóa 53 TTHC (bãi bỏ 5 TTHC, đơn giản hóa 48 TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 03/CT-BCT.
Với 444 TTHC hiện có, Bộ Công Thương cũng đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 147 TTHC (130 TTHC thực hiện ở cấp Tỉnh; 15 TTHC thực hiện ở cấp Huyện, 02 TTHC thực hiện ở cấp Xã).
Bộ Công Thương cũng là một trong những Bộ đầu tiên ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về hoạt động kiểm soát TTHC, đó là Thông tư số 18/2018/TT-BCT ngày 19 tháng 7 năm 2018 (thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BCT). Theo đó, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, công bố và rà soát theo định kỳ các TTHC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, đảm bảo việc ban hành TTHC đáp ứng các tiêu chí về sự cẩn thiết, tính hợp lý, hợp pháp; rà soát, đơn giản hóa TTHC tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện.
Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt các các giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, tạo sự thay đổi rõ rệt trong xây dựng Chính phủ điện tử và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cụ thể:
Đến thời điểm này, tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên. Hiện nay, Cổng Dịch vụ công của Bộ đang cung cấp 220 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (trong đó có 159 DVCTT mức độ 3, 61 DVCTT mức độ 4). Đến nay, đã có gần 36.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng DVCTT của Bộ.
Bên cạnh việc đưa vào sử dụng các DVCTT, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ hàng vạn lượt doanh nghiệp trong việc sử dụng các DVCTT thông qua điện thoại, email… góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong việc tiếp cận với các TTHC do Bộ quản lý.
Bộ Công Thương hiện đã kết nối 11 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong cả năm 2020 là 256.708 hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines. Trong cả năm 2020, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 182.869 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Công Thương đã chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp người dân, doanh nghiệp để đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngay trong tháng 11 năm 2019 (trước khi khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia - Cổng DVCQG), Cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương đã kết nối kỹ thuật thành công 02 nhóm dịch vụ công với Cổng DVCQG bao gồm: (1) Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi, (2) Đăng ký hoạt động khuyến mại. Đây là các nhóm thủ tục có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn nhất thực hiện tại Bộ Công Thương. Hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp khai báo dưới hình thức trực tuyến trong những năm vừa qua đối với các nhóm thủ tục này.
Bộ Công Thương cũng đã đưa tổng cộng 131 DVCTT mức độ 3, 4 lên Cổng DVCQG. Từ khi khai trương Cổng DVCQG đến nay, Cổng DVC Bộ Công Thương đã trao đổi 724.497 bộ hồ sơ điện tử với Cổng DVCQG.
Riêng đối với thủ tục Thông báo thực hiện khuyến mại, mặc dù đã được phân cấp về các địa phương, Bộ cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ làm đầu mối, triển khai thủ tục này trên Cổng DVCQG để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chỉ khai báo một lần duy nhất cho tất cả các tỉnh trên toàn quốc, kết nối, liên thông dữ liệu điện tử đến các Hệ thống một cửa điện tử của các tỉnh (thay vì khai báo trên từng tỉnh như trước đây). Từ 01/01/2020 đến nay, các doanh nghiệp đã khai báo điện tử hơn 10.059 bộ hồ sơ điện tử đối với thủ tục này trên Cổng DVCQG.
Với những kết quả tích cực đạt được, Bộ Công Thương đã được Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước đối với việc kết nối Cổng DVCQG (cả về số lượng DVCTT và số lượng hồ sơ điện tử). Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, thực hiện một cách triệt để, khách quan, công tâm nhất, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương