Bộ Công Thương luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty đa quốc gia có nhiều cơ hội kết nối phát triển công nghiệp chế tạo.

Lĩnh vực hấp dẫn đầu tư

Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực. Những thành tựu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã tạo nền tảng to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành công nghiệp chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam.

Tại Hội thảo “Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo”, tổ chức chiều ngày 9/3, các đại biểu đã trình bày những tham luận chuyên sâu, cũng như trao đổi trong việc đưa ra các giải pháp, đề xuất chính sách nhằm phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế tạo Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia, trong đó có ngành công nghệ chế tạo.

Bà Lê Huyền Nga - Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có bài trình bày giới thiệu về chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

Để thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ cung ứng các loại nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng đóng vai trò rất quan trọng. Từ thực tế này, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều văn bản chính sách được ban hành.

Từ năm 2015 đến nay, nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Đơn cử, như Thông tư số 55/2015 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và Thông tư sửa đổi, bổ sung số 19/2021 ngày 23/11/2021 của Bộ Công Thương.

Ngành công nghiệp chế tạo đang là lĩnh vực tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Song theo bà Lê Huyền Nga, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo. Mặt khác, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những các nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành…

Do đó, thời gian tới, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ bổ sung thêm nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hợp lý về ưu đãi về môi trường, pháp lý, kiểm định, chứng nhận chất lượng... Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ tín dụng dưới hình thức cấp bù lãi suất và hỗ trợ lãi vay với mức hỗ trợ 3%.

Cùng với đó, cần nghiên cứu xây dựng Luật nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia, phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Cũng như chính sách tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp và hình thành các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp…

Từ đầu cầu Indonesia, đại diện Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp chế tạo Indonesia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của Indonesia trong việc đào tạo kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực của mình theo mô hình làm việc của Nhật Bản.

Cần thực thi chính sách hiện có hiệu quả

Liên quan đến việc phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo, tại hội thảo, TS. Trương Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, đã công bố kết quả khảo sát, báo cáo nghiên cứu về hiện trạng liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đồng thời nêu ra một số giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển hơn nữa ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam.

TS. Trương Chí Bình cho rằng, năng lực kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không kém, hoàn toàn có thể sản xuất được các linh kiện, phụ tùng cho các hãng ô tô nhưng chi phí sản xuất cao, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực…

Để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất thượng tầng là phải cắt giảm được chi phí sản xuất. Do đó, cần có chính sách thúc đẩy liên kết các công ty đa quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài để tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam mới, đồng thời khuyến khích thực hiện nội địa hóa bằng các chính sách khuyến khích: thuế, lao động, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có định hướng rõ ràng về nội địa hóa. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động liên kết…

Muốn cải thiện năng lực, mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo TS. Trương Chí Bình, cần thực thi chính sách hiện có một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất. Cùng với đó, điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Cũng như tạo ra thị trường ổn định cho các ngành sản xuất (như công nghiệp ô tô)…

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, những chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách của đại biểu tại hội thảo sẽ là nguồn thông tin tham khảo quý giá cho Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam trong các nỗ lực phát triển, thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo phát triển.

Thông qua các tham luận chuyên sâu, cũng như phần trao đổi giữa các đại biểu đã mang đến nhiều thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp cùng các cơ quan ban ngành trong việc tìm hiểu các giải pháp chính sách nhằm phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế tạo Việt Nam với các công ty đa quốc gia. Cục Xúc tiến thương mại luôn sẵn sàng phối hợp cùng các đơn vị liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và các tập đoàn nước ngoài có thêm nhiều cơ hội kết nối kinh doanh một cách có hiệu quả, bền vững và ổn định

Hội thảo “Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo” là bước khởi đầu cho kế hoạch mở rộng, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối thực tiễn trong khuôn khổ Chương trình liên kết các khối doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, qua đó tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế bao trùm, bền vững.

Nguồn: congthuong.vn

ST: PTKD