Những kết quả cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đã góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh bền vững, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.

Nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương và dữ liệu từ Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, theo báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2024 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đứng đầu các Bộ về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2024. Cụ thể, Bộ Công Thương đã đạt 83,15 điểm về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng 6,6% so với năm 2023. Đây cũng là năm thứ hai Bộ Công Thương dẫn đầu trong số các bộ về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ với Báo Công Thương, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINSME) - cho rằng, Bộ Công Thương đứng đầu các Bộ về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2024 đã phản ánh chân thực về sự cố gắng, chủ động của Bộ Công Thương trong việc thực hiện giảm thiểu thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Bộ Công Thương không những quản lý, kết nối giữa doanh nghiệp với chính sách nhà nước mà còn thực hiện vai trò kết nối doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế đất nước như sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Vì thế, việc cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống” - TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Năm 2024, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được Bộ triển khai quyết liệt. Theo đó, Bộ Công Thương là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng Kế hoạch triển khai nhiệm vụ liên quan đến thủ tục hành chính nội bộ và xây dựng danh mục thủ tục hành chính nội bộ tại Bộ. Đồng thời, tích cực trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính , giấy tờ công dân tại Nghị quyết 100/NQ-CP; thực thi phương án phân cấp thủ tục hành chính tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg; là đơn vị đi đầu trong việc rà soát, tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, tạo thuận lợi cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, đến cuối năm 2024, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đang cung cấp 267 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, 168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 99 dịch vụ công trực tuyến toàn trình một phần. Tổng số hồ sơ nộp qua các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương năm 2024 hơn 2 triệu bộ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến bộ, với hơn 54.000 doanh nghiệp tham gia khai báo.

Theo TS. Tô Hoài Nam, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia khai báo trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với Bộ Công Thương tăng lên. Đặc biệt, việc chủ động sử dụng dịch vụ công của doanh nghiệp còn thể hiện rõ tác động hiệu quả và chiều sâu của việc cách hành chính của Bộ Công Thương; góp phần tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước.

Phục vụ đắc lực, quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước

Triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ Công Thương nêu rõ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2169/QĐ-BCT ngày 20/9/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Bộ Công Thương giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đặc biệt là công tác công bố công khai thủ tục hành chính; hạn chế tình trạng chậm tiến độ, quy định về thời hạn công bố, công khai thủ tục hành chính.

Đồng thời, xây dựng, ban hành và triển khai kịp thời các Kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa việc thực thi các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Chính phủ về công tác Kiểm soát thủ tục hành chính. Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Tập trung triển khai thực hiện Đề án rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ đã được Bộ phê duyệt.

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kỳ vọng, trong bối cảnh tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, do vậy, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh gia cao sự chủ động, quyết liệt của Bộ Công Thương trong việc nêu bật nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Bởi, "cải cách thủ tục hành chính không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp mà còn mang tính chất phục vụ đắc lực, quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước" - TS. Tô Hoài Nam chia sẻ.

Cùng với đó, TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh thêm, trong thời điểm Bộ Công Thương thực hiện tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương, Chính phủ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất tin tưởng trong công tác quản lý của Bộ vẫn đạt được đầy đủ các yêu cầu đặt ra và đạt được hiệu quả cao hơn. Qua đó, khơi nguồn cảm hứng và tạo động lực cho doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh mẽ trong năm 2025.

Theo Quyết định số 3658/QĐ-BCT về Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2025, Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.

Nguồn: Báo Công Thương