Trên tinh thần các kiến nghị của tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ xem xét trên tinh thần nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ, Lãnh đạo Bộ, các đơn vị chức năng Bộ sẵn sàng cùng tỉnh tập trung giải quyết trong thời gian sớm nhất. Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ, Lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương giải quyết. Những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.
Theo Bộ trưởng, Bến Tre có nhiều lợi thế để phát triển các lĩnh vực năng lượng (điện gió, điện mặt trời, sinh khối…) bên cạnh các lĩnh vực tiềm năng khác như công nghiệp, thương mại. Do vậy, tỉnh cần quan tâm hơn nữa việc phát triển hạ tầng giao thông, logistics, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như thương mại và dịch vụ.
Cùng với đó, tỉnh cần tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược đề án phát triển công nghiệp - thương mại địa phương; Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tính chất chủ lực, có tính chất nền tảng của địa phương dựa trên kinh nghiệm, tiềm năng, và xu hướng phát triển; các ngành công nghiệp chế biến (dừa, trái cây, thủy sản); công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…), khuyến khích xây dựng nhà máy điện gió, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về hướng đông của tỉnh...
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với thương mại và dịch vụ nhằm đáp ứng với nhu cầu trong nước, nước ngoài; trong đó, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái miệt vườn; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực bằng việc xác định rõ những ngành cần tập trung đào tạo để phục vụ phát triển địa phương trong tương lai; Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, cập nhật các yêu cầu phát triển của địa phương để đầu tư phát triển.
Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều lợi thế cũng như ưu đãi lớn về thuế cùng với đó là hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đang hoạt động ngày càng có hiệu quả, chất lượng. Đây sẽ là lợi thế để Bến Tre có thể quảng bá hình ảnh cũng như tiêu thụ các sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản tại thị trường nước ngoài. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bến Tre thông qua hệ thống Thương vụ, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường trong nước quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm của địa phương…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bến Tre đạt được trong thời gian qua cũng như các nhóm giải pháp tỉnh đã đặt ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã đóng góp cho những định hướng phát triển mà tỉnh Bến Tre đưa ra. Điển hình như hiện nay chỉ tiêu về công nghiệp của tỉnh còn thấp so với bình quân chung của cả nước và tỉnh cần tập trung phát triển thêm; tỉnh cũng cần có phương án quy hoạch điện, hạ tầng thương mại, cụm công nghiệp theo hướng đầu tư hiệu quả hơn; đồng thời khẩn trương mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước mở rộng quy mô đầu tư, thu hút các ngành thâm dụng lao động để thay đổi cơ cấu lao động…
Trước đó, trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế địa phương với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đoàn công tác Bộ Công Thương, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Mặc dù tình trạng xâm nhập mặn và sự bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; song năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bến Tre vẫn đạt 0,53% - đứng thứ 7 khu vực ĐBSCL; thu ngân sách nhà nước đạt trên 5.700 tỷ đồng, vượt 20,7% kế hoạch Trung ương giao, tăng 8,1% so năm 2020; giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,5%. Hoạt động ngành Công Thương Bến Tre thời gian qua cũng giữ mức tăng trưởng, đến nay gần như 100% doanh nghiệp đã hoạt động bình thường trở lại. Xuất khẩu tuy giảm 10% nhưng đã có nhiều thị trường lớn, ổn định hơn. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các công trình dự án trọng điểm được tập trung thúc đẩy, nhất là dự án Cầu Rạch Miễu 2 đang chuẩn bị các điều kiện để có thể khởi công cuối quý I/2022…
Theo ông Trần Ngọc Tam, Bến Tre có điều kiện phát triển toàn diện cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ và sẽ cố gắng tăng tỷ trọng này. Đặc biệt, tỉnh có điều kiện phát triển năng lượng, công nghiệp phụ trợ, hệ thống kho bãi, cảng biển cảng sông, thương mại dịch vụ logistics thành trung tâm kết nối của vùng ĐBSCL.
Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre
Năm 2022, Bến Tre phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đạt 38.300 tỷ đồng, tăng 8,19% so với năm 2021; sản lượng điện thương phẩm đạt 1.860 triệu kWh, tăng 4% so với ước thực hiện 2021, có hơn 140 MW điện gió đưa vào khai thác thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 56.000 tỷ đồng tăng 14,3% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.500 triệu USD, tăng 15,13%...
Trong giai đoạn 2020 - 2025 Bến Tre đã định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông với trọng tâm là phát triển kinh tế biển, hạ tầng giao thông ven biển, kết nối tuyến đường ven biển cả nước, phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, đô thị và du lịch. Trong đó, tỉnh xác định phát triển năng lượng sạch là nhiệm vụ đột phá. Mục tiêu đến năm 2025 phát triển ít nhất 1.500MW điện gió. Tuy vậy, để thực hiện các mục tiêu trên, ông Tam kiến nghị Bộ Công Thương tháo gỡ một số vướng mắc như: Cho phép và chỉ đạo Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chuyển giao dự thảo “Đề án phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò- Bến Tre”, đồng thời tham gia phối hợp với tỉnh Bến Tre xây dựng, hoàn thiện Đề án. Đặc biệt, ông Tam kiến nghị Bộ Công Thương ủy quyền cho Sở Công Thương Bến Tre được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh thực hiện những thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian đi lại…
Liên quan đến cơ chế chính sách trong lĩnh vực điện, ông Tam kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện các dự án điện gió trên bờ; cơ chế giá điện gió mới; cập nhật danh mục nguồn điện, lưới điện đấu nối các dự án năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Bến Tre vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045…
Theo Bộ Công Thương