Chung sức triển khai đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị nông nghiệp nông thôn”, 5 năm qua, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đã từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, tạo thành chuỗi sản xuất tại khu vực nông thôn.

Đề án được thực hiện theo quyết định số 644/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, UBND tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện.

Sau 5 năm triển khai, đề án đã góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn cho hình thành và phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo đó cũng khả quan. Tính đến hết tháng 9/2018 đã có 49.600 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 7.600 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.

Thông qua đề án, các đơn vị cũng đã tiến hành nghiên cứu, phân tích chuỗi thức ăn chăn nuôi, chuỗi giá trị thủy sản, khảo sát chuỗi giá trị thủ công mỹ nghệ (TCMN) nhằm tìm ra những điểm nghẽn và tháo gỡ. Theo đó, đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 4 doanh nghiệp trong chuỗi giá trị TCMN và chuỗi giá trị thủy sản; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Tìm kiếm sự phối hợp từ các dự án khác trong và ngoài nước để hỗ trợ 2 doanh nghiệp trong chuỗi TCMN và 1 doanh nghiệp trong chuỗi thủy sản thiết kế logo, nhận diện thương hiệu. Sau khi hoàn thành, uy tín sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường tăng rõ rệt, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tới đặt hàng.

Tuy nhiên theo đại diện VCCI, đề án có quy mô lớn, bao trùm nhiều ngành nghề lĩnh vực cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành nhưng do không được sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước nên rất khó để phối hợp. Cùng đó kinh phí thực hiện các hoạt động xây dựng thương hiệu khá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Đơn cử, đối với đăng ký thêm một bộ tiêu chí hoàn chỉnh ngoài nguồn hỗ trợ cần có kinh phí lớn hơn trong khi đối tượng tham gia dự án là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất khó có đóng góp kinh phí thực hiện hoạt động này.

Với chuỗi thủy sản, khâu giống hiện đang yếu nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm, khắc phục hạn chế này đồng thời thắt chặt mối liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến là điều kiện cần để hình thành chuỗi giá trị thủy sản bền vững. Hạn chế của chuỗi thức ăn chăn nuôi là phần lớn nguyên liệu cho sản xuất phải nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất trong nước có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chất lượng và độ an toàn sản phẩm thấp nên bị mất ưu thế ngay tại thị trường trong nước. Do vậy, để phát triển hiệu quả các khâu của chuỗi giá trị thức ăn chăn nuôi, ngoài những chương trình đề án đã thực hiện, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa về thông tin chính sách, nghiên cứu cải tiến công nghệ, kinh phí …

Chuỗi TCMN cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ để thành lập quầy hàng lưu niệm tại các sân bay trong nước và quốc tế, thành lập trung tâm giới thiệu hàng TCMN, sản phẩm của địa phương tại các điểm thăm quan di tích giúp giới thiệu rộng rãi đến đa dạng đối tượng khách hàng.

Ngoài ra, để chuỗi giá trị nông thôn đã hình thành và hoạt động ổn định, hướng tới bền vững, đại diện VCCI cũng đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ để có thể ứng dụng công nghệ tiên tiến trực tiếp cho các chuỗi này. Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác thường xuyên kết nối thông tin thị trường về chính sách và các chương trình khác nhằm tiếp tục liên kết thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tăng sức tác động và hiệu quả của đề án.

Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị nông nghiệp nông thôn” có tổng kinh phí 45 tỷ đồng, thực hiện trong 5 năm từ 2014-2018.

 

TQL(Arit)

 

 

Tin đã đăng