Văn bản nêu rõ một số nội dung cụ thể: Các địa phương rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương; xây dựng và phê duyệt Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn đến năm 2025 để tổ chức thực hiện; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công áp dụng tại địa phương. Tạo điều kiện cho Sở Công Thương phát huy vai trò tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn.
Theo đó, Sở Công Thương tổ chức triển khai kế hoạch khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã được phê duyệt năm 2022 đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đúng quy định; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiếp tục phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hậu Covid-19. Định hướng hoạt động khuyến công hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở CNNT; phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu; phấn đấu xây dựng được các đề án điểm. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc triển khai các nhiệm vụ về khuyến công. Kiện toàn tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Chỉ đạo xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.
Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương để triển khai các nội dung phục vụ hoạt động khuyến công trên địa bàn; có sự hài hòa giữa ngân sách địa phương với ngân sách trung ương trong hỗ trợ, khuyến khích phát triển CNNT. Đánh giá, xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương cho các nội dung hoạt động nhằm thu hút được nhiều cơ sở CNNT tham gia đầu tư phát triển sản xuất.
Thông qua văn bản, Bộ Công Thương ghi nhận những đóng góp tích cực của công tác khuyến công với phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Nhất là hai năm vừa qua, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh song công tác khuyến công đã kịp thời hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp, cơ sở CNNT vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, công tác khuyến công vẫn còn những hạn chế, trong đó mạng lưới cộng tác viên tại phần lớn các địa phương chưa được hình thành; kinh phí bố trí từ ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công còn thấp, chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn…Việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương không chỉ giúp công tác khuyến công tại các địa phương hoàn thành tốt kế hoạch năm 2022, mà còn là giải pháp tháo gỡ những hạn chế đang vướng mắc.
Mới đây, Cục Công Thương địa phương đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023. Trong đó định hướng một số nội dung lớn, gồm: Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, tự động hóa vào sản xuất; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT trong bối cảnh hậu Covid-19; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công…
Bộ Công Thương đề nghị các địa phương tập trung triển khai một số nội dung lớn nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả công tác khuyến công. |
Theo Báo Công Thương