Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước (trung tâm) đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); tổ chức 1 hội thảo nâng cao năng suất, chất lượng trong chế biến điều với tổng kinh phí 2,05 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, có 2 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất phải điều chỉnh đối tượng thụ hưởng. Nguyên do, cơ sở không đầu tư đúng loại máy móc thiết bị theo hợp đồng đã ký, buộc phải dừng thực hiện. Cùng đó, nửa đầu năm 2018, giá điều xuất khẩu giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cầm chừng, nội dung tổ chức hội thảo nâng cao năng suất, chất lượng trong chế biến điều cũng phải điều chỉnh thời gian thực hiện.
Theo đại diện Sở Công Thương Bình Phước, đề án khuyến công quốc gia điểm là loại đề án mới, nên các đơn vị thực hiện lúng túng về trình tự thủ tục, hồ sơ, các bước tiến hành, tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí. Nguồn ngân sách cấp cho đề án vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu của cơ sở, nhất là với các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, do đó chưa thực sự thu hút được đối tượng thụ hưởng. Bản thân các doanh nghiệp không thực hiện đúng nội dung đã ký hợp đồng nên đề án không được triển khai theo đúng tiến độ.
Nhận diện được những trở ngại trên, trung tâm đã xây dựng giải pháp khắc phục, đồng thời đặt ra nhiệm vụ cho năm 2019. Cụ thể, trung tâm sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho thực hiện 12 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến hạt điều, kinh phí khoảng 3,1 tỷ đồng; xây dựng 2 mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, kinh phí 2 tỷ đồng; đào tạo nghề chế biến hạt điều cho 30 lao động; tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở chế biến hạt điều, kinh phí là 54,82 triệu đồng.
Để bảo đảm tiến độ, hiệu quả các mục tiêu trên, trung tâm sẽ thực hiện sát sao hơn nữa hoạt động khảo sát nhằm tìm kiếm đối tượng thụ hưởng thực sự có nhu cầu và có khả năng hoàn thành đề án. Tư vấn, hướng dẫn các đơn vị trong quá trình thực hiện. Sớm đề nghị Cục Công Thương địa phương phê duyệt đề án và chuyển kinh phí tới các cơ sở thực hiện.
Với đề án khuyến công quốc gia điểm, ngành Công Thương Bình Phước đang nỗ lực góp sức cùng các sở, ngành khác của tỉnh hoàn thành mục tiêu đưa điều trở thành sản phẩm xuất khẩu chính với hàm lượng giá trị gia tăng cao; đến năm 2020, có 100 % cơ sở chế biến được cấp giấy chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn về nhân điều xuất khẩu và 20% sản phẩm nhân điều; phấn đấu khoảng 15.000 tấn sản phẩm sau nhân điều được chế biến sâu.
Trên thực tế, sự phát triển nhanh chóng của ngành điều những năm qua có sự trợ sức không nhỏ từ công tác khuyến công. Trong những năm qua, trung tâm đã hỗ trợ 63 cơ sở với kinh phí gần 11,378 tỷ đồng. Phần lớn các đề án tập trung hỗ trợ đổi mới và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào chế biến. Đề án khuyến công điểm được thực hiện không chỉ hỗ trợ về mặt sản xuất mà còn được kỳ vọng giúp các cơ sở chế biến điều quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường.
Đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 – 2020” có tổng kinh phí thực hiện 28,982 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ giúp điều trở thành sản phẩm xuất khẩu chính, có giá trị cao của Bình Phước.
KConline (arit)