Đến nay qua 06 kỳ bình chọn, chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển CNNT, xây dựng nên những sản phẩm CNNT mang thương hiệu Việt.
Theo đó, công tác bình chọn được tỉnh Bình Định tổ chức một cách có hệ thống theo 4 cấp từ huyện, tỉnh, khu vực và cấp quốc gia. Mục đích và ý nghĩa của việc bình chọn nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại.
Giai đoạn 2012 - 2023, tỉnh Bình Định đã thực hiện 500 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 51 tỷ 127 triệu đồng, qua đó đã hỗ trợ các cơ sở CNNT ngày càng khẳng định vị trí quan trọng và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế với mức đóng góp khoảng 60% giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm.
Những thành tựu đạt được của cơ sở CNNT trong những năm qua thể hiện ở quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với Nhà nước đều tăng lên qua các năm, ngày càng nâng cao mức thu nhập người lao động, cải thiện đời sống vật chất của người lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2014 - 2024, tỉnh Bình Định đã tổ chức 06 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh với tổng số 709 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn. Kết quả bình chọn có 310 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; số sản phẩm tham gia và số sản phẩm được công nhận qua các kỳ bình chọn ngày càng tăng (2014: 61 sản phẩm tham gia, 44 sản phẩm được công nhận; 2024: 145 sản phẩm tham gia, 60 sản phẩm được công nhận).
Đáng chú ý, để tiếp tục hỗ trợ sản phẩm CNNT tiêu biểu phát triển, tỉnh Bình Định đã thực hiện 69 đề án khuyến công hỗ trợ 68 cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp với tổng kinh phí hỗ trợ 8 tỷ 854 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh 55 đề án với kinh phí hỗ trợ 6 tỷ 744 triệu đồng; sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực 09 đề án với kinh phí hỗ trợ 975 triệu đồng; sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia 05 đề án với kinh phí hỗ trợ 1 tỷ 135 triệu đồng.
Qua đó, đã khuyến khích, tạo động lực cho các cơ sở tích cực đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường; doanh thu của các cơ sở CNNT tạo ra hàng năm trên 225 tỷ đồng, giải quyết việc làm 720 lao động nông thôn.
Đồng thời, các cơ sở CNNT mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm trở thành hàng hóa với khối lượng lớn đáp ứng nhu cầu và dần chiếm lĩnh thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT như sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm phục vụ xuất khẩu 100%; thu hút, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở CNNT nói chung và các đơn vị có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm có chất lượng, có tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, so với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Để có thể phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu theo hướng gắn với đô thị hóa, thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các giá trị kinh tế, văn hóa, các cơ sở CNNT cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp thiết thực, gắn với điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương nhằm khai thác những yếu tố thuận lợi và khắc phục những tồn tại đang có.
Ngoài ra, cần chủ động và thường xuyên nâng cao năng lực trong quản trị và điều hành sản xuất; nâng cao nhận thức của người lao động về ý thức, tác phong, trình độ nghề nghiệp trong quá trình làm việc; lập kế hoạch ngắn, trung và dài hạn để xác định mục tiêu, đưa ra các phương pháp tiếp cận và quyết định cách thức thực hiện tốt nhất để đạt được mục tiêu.
Cần ổn định và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thông qua liên kết hoặc đầu tư nâng cấp hệ thống dự trữ nguyên liệu. Các cơ sở CNNT cần quan tâm tới việc phát triển vùng nguyên liệu ổn định, tập trung, chất lượng, được cấp chứng chỉ bền vững gắn với tiêu chuẩn thị trường, phát triển mô hình sản xuất gắn với chế biến theo chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết ngang giữa các chủ thể, hộ sản xuất.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư đổi mới dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất, giảm chi phí giá thành sản phẩm, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái đa giá trị, phát triển mới các sản phẩm xung quanh hệ sinh thái lõi là sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Tiếp tục phát huy và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại của Nhà nước như tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ, sàn thương mại điện tử, các sự kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ động tiếp cận công cụ chuyển đổi số góp phần thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số.
Việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện có của các cơ sở CNNT, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu một cách thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn.
Nguồn: Tạp chí Công Thương