Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 cụm công nghiệp (1.032,1 ha) đã được thành lập; 22 cụm công nghiệp (644,75 ha) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 21 cụm công nghiệp được phê duyệt dự án đầu tư; 14 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư còn lại do BQL dự án huyện làm chủ đầu tư, UBND xã,… làm chủ đầu tư.
Hiện tại, có 23 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích là 595,16 ha. Các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút hơn 800 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh vào các cụm công nghiệp, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương; giải quyết việc làm cho người lao động; sản xuất kinh doanh đa ngành nghề. Các Dự án đều có công nghệ tiên tiến, đủ sức cạnh tranh thị trường; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và khu dân cư bước đầu được cải thiện. Các doanh nghiệp trong cụm sản xuất ổn định, thu hút khoảng 50.000 lao động, chủ yếu là người địa phương. Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của các cụm công nghiệp là 12,4%/năm, đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 9,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 10 cụm công nghiệp, hiện các chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hồi mặt bằng đất, chưa có doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh..
Công tác quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp thời kỳ đầu còn nóng vội, dàn trải, chưa có tầm nhìn về phát triển kinh tế xã hội và đô thị chung của tỉnh nên nhiều cụm công nghiệp chưa thực sự phù hợp, nhiều cụm hiện đang nằm trong khu vực đô thị phát triển (như ở TP. Bắc Ninh, TP. Từ Sơn) dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, phát triển các cụm công nghiệp do: Công trình hạ tầng trong cụm thiếu đồng bộ, các công trình xử lý ô nhiễm môi trường trong các cụm công nghiệp hầu như không có, nước thải công nghiệp sau khi đã được xử lý cục bộ tại các nhà máy và nước mưa được thu gom vào hệ thống mương rãnh dọc theo các tuyến đường trong cụm và được dẫn ra hệ thống thoát nước chung của khu vực hoặc cho chảy tràn tự nhiên nên mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các cụm công nghiệp chưa đạt được. Trong số 23 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, chỉ có 6 cụm công nghiệp đã triển khai xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Do đó, trong dự thảo phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030, Tỉnh đã đưa ra một số chủ trương, giải pháp về vấn đề môi trường như:
- Xây dựng cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (hoặc vận dụng nội dung trong Quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cụ thể cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 14/01/2020) để xử lý vấn đề môi trường cụm công nghiệp. Yêu cầu các đơn vị thứ cấp hoạt động trong cụm công nghiệp chưa có nhà máy xử lý tập trung phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, đảm bảo đạt tiêu chuẩn để xả thải theo quy định thì mới được phép hoạt động. Đối với các cụm công nghiệp mới thành lập do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, yêu cầu hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, đặc biệt là phải có khu xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường mới được cho nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất thực hiện dự án.
- Hạn chế tiến đến dừng việc cấp giấy phép mới các dự án sản xuất nguyên vật liệu phát thải gây ô nhiễm môi trường cao như: phôi thép, nguyên liệu tái chế giấy, nguyên liệu có nguồn gốc vật liệu gây ô nhiễm, sơ chế nguyên liệu tái chế tập trung. Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trước khi thuê đất trong cụm công nghiệp phải được các Sở quản lý chuyên ngành thẩm định chặt chẽ từ dây chuyền công nghệ máy móc thiết bị sản xuất, phương án bảo vệ môi trường và phải có chế tài xử lý kịp thời khi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Các chính sách mới được ban hành và áp dụng bám sát với định hướng phát triển bền vững các cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, hiện tại tỉnh đang xây dựng các quy hoạch có tính khả thi, đáp ứng nhu cầu diện tích mặt bằng để đầu tư sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất và các nguồn lực khác của địa phương. Đồng thời, phát triển cụm công nghiệp có tính chất ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực và có sự tương đồng về mục tiêu ngành nghề với các khu công nghiệp lân cận; gắn với việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
Nguyễn Anh Tuấn - CCN